Cu Tí kinh doanh gì ở đây?

Mua dân chủ của Bần nông gia,bán kiến thức cho Bác học nhà...

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Từ Điển thành ngữ,tục ngữ bí hiểm của người Việt xưa.


Một thời gian dài mình theo dõi trang Vannhan - dòng Hùng Vương và những mẩu chuyện trong Bách Việt, thấy rất hay. Mình thực sự hứng thú với những tìm tòi phát hiện mới lạ trong các bài đăng bên đó.

Hôm nay mình quyết định học tập họ nhằm góp phần tìm ra sự thật lịch sử trong những ý nghĩa bị ẩn dấu ở những câu chuyện cổ. Nhưng mình sẽ đi theo hướng khác, mình sẽ tìm hiểu ý nghĩa của những câu thành ngữ, tục ngữ được xem như thông dụng, nhưng lại thật sự bí hiểm. Có thể chúng đã có sự giải thích của các nhà ngôn ngữ học, của các chuyên gia về lịch sử hoặc của nhiều nhà khoa học khác, nhưng nhiều trong số chúng mình cho rằng chưa thỏa đáng, hoặc cách giải thích tỏ ra phiến diện và hời hợt. Mình sẽ tìm cách giải thích cho riêng mình. Tất nhiên phải dựa trên những cứ liệu xác đáng hoặc kết luận khoa học.

Mình sẽ lập 1 đề tài riêng gọi là Từ Điển bí hiểm nhằm tìm cách giải nghĩa những thành ngữ, tục ngữ có những từ ngữ, cấu trúc ngữ nghĩa lạ, khó hiểu của người Việt xưa, thậm chí cho dù nó đã khá thông dụng với tất cả mọi người nhưng xem ra chưa được giải thích thấu đáo về mặt ngữ nghĩa. Tỉ dụ: Lang thang, Lang bang, Bôn ba, Lưu manh, Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông... Mình sẽ tìm xem ý nghĩa thực sự nào bị ẩn giấu trong đó, cho riêng mình và cho những ai quan tâm.

Một cách không lấy gì làm vui thích lắm, người Việt xưa (Bách Việt) rất hay phải ở trong tình trạng phải trốn tránh, chạy giặc hoặc không thể nói ra những gì là chân lý, hoặc sự thật do tình trạng bị nô lệ của dân tộc, đất nước bị chiếm đóng. Đó là lý do cho sự ra đời của rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thông dụng nhưng thuộc dạng bí hiểm cho đời sau có thể hiểu thấu đáo. Thêm nữa, có nhiều người, nhiều vùng miền của người Việt cổ có thói quen chơi chữ, nói lái... Đó cũng là thông điệp dành cho con cháu của người Việt xưa. Từ Điển này ra đời nhằm giải mã những thông điệp ấy.

Mình dự định sẽ viết bài về từ: Lang thang, Lang bang và Bôn ba, trong 1 ngày gần nhất có thể.

 Điều đầu tiên mình cần lưu ý, và cho cả những ai quan tâm rằng chữ viết là 1 loại ký âm. Đôi khi chữ viết, vì 1 lý do nào đó làm biến đổi chính cái nó từng ký âm. Nhất là trong trường hợp tiếng Việt, do bị rất nhiều hoàn cảnh mà chữ viết làm biến dạng tiếng nói nhiều. Đơn cử 1 trường hợp, ở miền Nam có Bến Dược (Vượt), đây là trường hợp gần nhất, cho đến nay cũng không thể nói rõ nó là bến Vượt hay bến Dược-có thể viết là Vượt nhưng người miền Nam phát âm chữ Vượt thành Dược, hoặc cũng có thể tên nó là bến Dược. Chưa kể nếu ngôn ngữ được ký âm bằng chữ Hán...

Nhấn mạnh thêm, người Việt nói chung hay có thói quen biến âm 1 từ quen thuộc. Lớp trẻ ngày nay cũng thế, đơn cử từ "hoành tráng", người ta có xu hướng rút bớt âm "tráng" thành ra chỉ còn "hoành" hoặc nói lái "hoành tá tràng". Không phải ai cũng đồng tình với xu hướng này, đôi khi nhiều người còn lên án kịch liệt, nhưng ngôn ngữ bình dân là thế, nó thuộc về sự "sáng tạo" bản chất. Thêm nữa, từ Việt, tức người Việt, dân Việt, nếu ký âm bằng Hán tự chữ Việt, người ta sẽ phải phân vân giữa chữ Việt thuộc bộ "qua" tức võ khí hay thuộc bộ "chạy" tức hoạt động. Còn nếu không có sự thống nhất chữ viết giữa các vùng miến thì người miền Nam sẽ viết thành Diệc, người miền Bắc viết là Việt, còn người miền Trung sẽ viết là Việc....

Nói vậy để thấy rằng đoạn đường trước mắt sẽ là rất khó khăn. Tức là nguồn tham khảo phải phần lớn từ những câu truyện truyền miệng, thứ ít bị ảnh hưởng bởi chữ viết về mặt ngữ nghĩa. Mình sẽ cần phải tham khảo từ rất nhiều nguồn và rất nhiều người. Khó hơn cả đi Tây Thiên thỉnh kinh vậy. Ứa mi thò phò...

PMT - Cu tí.