19.02.2013
Cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức, như nhan đề cuốn sách thể
hiện, tập trung vào phía những người thắng trận sau năm 1975; ở phía
thắng trận ấy, Huy Đức tập trung vào những người lãnh đạo, từ Lê Duẩn,
Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ đến Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê
Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng. Vậy bức chân dung của họ
được Huy Đức mô tả ra sao?Có thể tóm tắt sự mô tả của Huy Đức vào năm điểm chính: Một, ít học; hai, giáo điều, ba, độc tài; bốn, cá nhân chủ nghĩa; và năm, làm kiềm hãm thay vì phát triển đất nước.
Thứ nhất, ít học. Lê Duẩn, người làm Tổng Bí thư lâu nhất Việt Nam, từ 1960 đến 1986, tức 26 năm, “chỉ học hết lớp bốn rồi đi làm nhân viên hỏa xa” (tập Giải Phóng, GP, tr. 112). Nguyễn Văn Linh lúc nhỏ được học trường Bonnal, trường trung học đầu tiên do Pháp mở ở Hải Phòng, nhưng đến năm 15 tuổi đã bị bắt vì tội rải truyền đơn chống Pháp và bị đày đi Côn Đảo (tập Quyền bính, QB, tr. 46). Võ Văn Kiệt lúc nhỏ, nhà nghèo, theo cha nuôi “giữ ghe hoặc mót lúa”, đến năm 8 tuổi mới đi học được vài năm. “Những lớp học ở làng không đưa lại cho Chín Hòa [tên Võ Văn Kiệt lúc nhỏ] bằng cấp nhưng đã giúp cậu đọc thông viết thạo” (QB, tr. 47). Đỗ Mười, theo tiểu sử chính thức, “Xuất thân từ một gia đình nông dân, bản thân là thợ sơn”, nhưng khi lên làm Tổng Bí thư, ông lại muốn trở thành nhà lý luận. Không đủ sức, ông phải dựa vào các trợ lý như Đào Duy Tùng và Nguyễn Đức Bình, những người bị chê là “chim ri, chim sẻ”. Phan Văn Khải nhận xét về Đỗ Mười: “Ông cũng không được học hành căn bản để hiểu các vấn đề một cách có hệ thống” (QB, tr. 102). Lê Đức Anh học tiểu học ở Huế; năm 11 tuổi ra Vinh học tiếp nhưng chỉ được một vài năm. Huy Đức viết: “Học vấn của ông Lê Đức Anh ở mức đọc thông viết thạo” (QB, tr. 103). Phan Văn Khải có bằng cấp cao hơn hẳn những người kia, nhưng thực chất của những mảnh bằng xã hội chủ nghĩa ấy ra sao thì lại rất đáng ngờ. Lúc nhỏ, ông học hết tiểu học thì nghỉ. Đến năm 1956, tập kết ra Bắc, ông mới vào học trường Bổ túc Công Nông Trung ương. Bắt đầu vào lớp 5. Ba năm sau, ông học xong… Trung học. Sau đó, ông học tiếng Nga và được sang Nga du học, đến năm 1965 thì tốt nghiệp ngành Kinh tế Kế hoạch và về nước (QB, tr. 144-5). Còn Nguyễn Tấn Dũng thì “biết chữ chủ yếu nhờ các lớp bổ túc ở trong rừng do địa phương quân tổ chức. Sau đó, ông Dũng được đưa đi cứu thương rồi làm y tá cho Tỉnh đội” (QB, tr. 150). Nông Đức Mạnh thì học ở Liên Xô về Lâm Nghiệp nhưng về trí thức và trí tuệ thì bị chê bai thậm tệ. Huy Đức viết:
“Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa IX, tháng 7-1994, trong giờ giải lao, phóng viên Huỳnh Ngọc Chênh của báo Thanh Niên phỏng vấn: ‘Thưa, Chủ tịch có phải con của Bác Hồ?’ Ông Nông Đức Mạnh lúng túng mấy giây rồi trả lời: ‘Người Việt Nam ta ai cũng là con cháu Bác Hồ cả.’ Cho dù sau đó, ông Mạnh rất tức giận nhưng đấy là câu trả thông minh nhất trong suốt cuộc đời làm chính trị của ông. Từ đó cho đến khi làm tổng bí thư, ông Mạnh trở thành một người lúc nào cũng ‘mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao’ nhưng ăn nói nhạt nhẽo và có rất ít quyền lực. Ông xuất hiện trên truyền hình ở nhiều địa phương khác nhau với gần như chỉ có một câu nói: ‘Các đồng chí phải tìm ra thế mạnh của địa phương là nên trồng cây gì và nuôi con gì.’ Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nhận xét: ‘Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một tổng bí thư như vậy, Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện.’’ (QB, tr. 154).
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đồng ý như vậy. Huy Đức kể: “Về sau, ông Phan Văn Khải cũng đã nuối tiếc khi ủng hộ ông Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư. Ông Khải nói: ‘Ông Mạnh trình độ yếu lại thiếu bản lĩnh nên gần như không có tác dụng gì. Khi ông Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, nếu điều gì đã thống nhất với tôi thì cho dù ra Bộ Chính trị có ý kiến khác ông vẫn bảo vệ nhưng ông Mạnh thì không. Gật gù với
nhau nhưng khi thảo luận thấy có vài ý kiến hơi khác là ông im lặng.’” (QB, tr. 154)
Thứ hai, giáo điều. Giáo điều chủ yếu vì ít học. Giới lãnh đạo Việt Nam thường xem bộ Tư Bản của Karl Marx như là Kinh Thánh, nhưng theo các trợ lý của họ, hầu như không có ai đọc hết bộ sách đồ sộ ấy. Hầu hết đều chỉ nghe lõm bõm lúc họ bị ở tù, trước năm 1945. Sau đó, khi lên nắm quyền, họ nghe lại từ những người giúp việc. Không đọc, không hiểu, nhưng mang tâm lý sùng kính, nên họ rất sợ. Huy Đức kể: “[T]heo ông Đậu Ngọc Xuân: ‘Bộ Tư Bản mênh mông, gần như không lãnh đạo nào đọc hết, nên nếu lấy Tư Bản ra mà dọa thì một anh giúp việc có thể điều khiển được một ủy viên Bộ Chính trị”. Ông Đậu Ngọc Xuân kể: “Mấy anh giúp việc ông Trường Chinh (trong thập niên 1960) là rất hay trích dẫn Marx-Lenin. Cái câu “sản xuất nhỏ hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” làm cụ Trường Chinh rất sợ”. (GP, tr. 112)
Huy Đức trích lời của Đống Ngạc, trợ lý của Lê Duẩn kể: “Một lần đi Hungary, thấy nông dân được canh tác tới năm mươi hecta ruộng, anh Ba rất thích nhưng khi trao đổi với một số nhà kinh tế, họ nói: ‘Làm như thế lâu [lên chủ nghĩa xã hội] lắm anh ạ’, anh Ba lại thôi”. Anh lại trích lời một trợ lý khác, Trần Phương: “Theo ông Trần Phương thì nhiều lần, ông Lê Duẩn bàn với ông nghiên cứu áp dụng mô hình Bắc Triều Tiên nhưng khi ông Trần Phương nói rằng miền Bắc Việt Nam chưa đủ điều kiện làm như vậy thì “anh Ba im lặng”. Anh cũng dẫn ý kiến của Nguyễn Đức Bình: “Bài phát biểu trước Hội nghị Trung ương 24, ngày 13-8-1975, cho thấy mâu thuẫn khá rõ giữa một Lê Duẩn sắc sảo nhìn thấy vấn đề trong cuộc sống và một Lê Duẩn chưa có đủ lý luận để giải thích kinh tế thị trường. Trình độ của một nhà lãnh đạo có thể được khắc phục nếu như quy trình hình thành chính sách của Đảng cho phép tranh luận thay vì chỉ trông cậy vào sự anh minh lãnh tụ”. (GP, tr. 116).
Sau khi dẫn lời Đậu Ngọc Xuân “phải sáng tạo lắm mới thoát ra khỏi sự giáo điều” Huy Đức bình luận: “Mà muốn sáng tạo thì cũng phải dựa trên khả năng tư duy của những con người cụ thể. Lê Duẩn vào thời điểm ấy cho dù vẫn cháy bỏng những
khát khao cũng không tránh khỏi những hạn chế về học vấn và sức khỏe.” (GP, tr. 121)
Giới lãnh đạo dựa vào các chuyên viên nhưng các chuyên viên thì, theo lời thú nhận của Trần Phương: “Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ, đầu óc của chúng tôi vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa Marx” (GP, tr. 112). Thành phần lãnh đạo phía dưới càng giáo điều hơn nữa. Trước nạn khan hiếm lương thực ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1970, Võ Văn Kiệt định “xé rào” xuống các tỉnh miền Tây mua lương thực. Ông bàn với Bảy Máy, bộ trưởng Bộ Lương thực. Bảy Máy đáp: “Tôi chỉ biết nghe ý kiến chính thống, chớ không nghe ý kiến ai cả.” (GP, tr. 127)
Thứ ba, ít học và giáo điều như giới lãnh đạo lại rất độc tài. Thật ra, chuyện này ai cũng biết. Trong Bên Thắng Cuộc, có vô số chuyện như thế. Xin trích một đoạn về Lê Duẩn:
“Từ đầu thập niên 1970, bệnh tiền liệt tuyến đã khiến cho Lê Duẩn không có một đêm nào ngủ yên và không còn khả năng lắng nghe. Ông Nguyễn Văn Trân nhận xét: ‘Anh Lê Duẩn có thói quen hay cắt lời người khác. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư có khi anh nói gần suốt cả buổi, không mấy ai còn thời giờ nói ý của mình.’ Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: ‘Anh Ba là một con người giàu tình cảm cách mạng, có khi sôi nổi. Do đó, một mặt thì dễ gần gũi với cán bộ, quần chúng mặt khác lại có những phản ứng quá mức đối với những ý kiến khác mình. Điều đó đã hạn chế không khí dân chủ trong nội bộ, nhất là về những năm cuối đời.’ Lê Duẩn từng nhắc nhở thuộc cấp tránh hiện tượng ‘đảng là của tôi, nhà nước là của tôi, của một người.’ Nhưng ông đã không nhận thấy chính mô hình chính trị mà ông đặt ra đã mắc phải những gì mà ông cảnh báo: từ chỗ còn ‘có cái phải thuyết phục, có cái phải bắt buộc’ đến chỗ đối với những ý kiến khác, chỉ còn chuyên chính. Năm 1976, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn tuyên bố: ‘Chế độ ta là chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết là đường lối của giai cấp vô sản… Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và không hợp tác với ai… Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó thì bắt’.” (GP, tr. 121-2)
Thứ tư, tinh thần cá nhân chủ nghĩa. Giới lãnh đạo Việt Nam hay nói đến chuyện tập thể và chống chủ nghĩa cá nhân, hay kêu gọi đoàn kết và phê phán sự chia rẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, như những lời tiết lộ của những người gần gũi với họ nhất, hầu như ai cũng chỉ biết mình và dùng mọi thủ đoạn để tranh giành quyền lực và quyền lợi cho mình. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lúc nào cũng tìm cách hãm hại Võ Nguyên Giáp, một người có nhiều hào quang và uy tín hơn họ. Ngay chính Lê Duẩn và Lê Đức Thọ vốn được xem như một cặp bài trùng, về sau, lại rất ghét nhau. Mặc dù Lê Đức Thọ vẫn là ủy viên Bộ chính trị, nhưng Lê Duẩn vẫn cứ đuổi ra khỏi phòng họp. (GP, tr. 148) Lê Đức Anh thì chỉ muốn nâng đỡ các tướng lãnh thân cận dưới trướng của mình và tìm mọi cách ngăn chận người khác. Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt từng làm việc với nhau cả hàng chục năm nhưng vẫn không ưa nhau. Nguyễn Văn Linh đi đâu cũng nói xấu Võ Văn Kiệt và tìm cách để ngăn cản con đường lên chức Tổng bí thư của Võ Văn Kiệt. Đỗ Mười và Tố Hữu không thích Võ Văn Kiệt. Và bây giờ, theo dõi báo chí trong nước, chúng ta đều biết Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đều không ưa Nguyễn Tấn Dũng.
Trong Bên Thắng Cuộc, có khá nhiều chi tiết liên quan đến tinh thần cá nhân chủ nghĩa và sự chia rẽ ấy. Lúc còn sống, nhận thấy điều đó, Hồ Chí Minh tổ chức bữa ăn tối hàng tuần tại Phủ chủ tịch để mọi người có thể nói chuyện với nhau. Nhưng theo lời Hoàng Tùng, “ăn thì họ vẫn tới ăn nhưng có khi vẫn không ai nhìn nhau cả. Có bữa ông Lê Duẩn nói ‘Tôi về nhà làm việc với lái xe, bảo vệ đây’. […] Cụ Hồ cũng rất buồn, có dịp 19-5, Cụ bỏ lên Ba Vì, Bộ Chính trị kéo lên theo, Cụ bảo: ‘Các chú lên làm gì?’. Mọi người nói: ‘Lên chúc thọ Bác!’. Cụ Hồ mắng: ‘Thọ thì có gì mà chúc, điều quan trọng là các chú phải từ bỏ chủ nghĩa cá nhân đi, các chú phải đoàn kết, có đoàn kết mới thống nhất Bắc-Nam được. Các chú mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, chú Lê Duẩn cũng cá nhân chủ nghĩa’. Năm 1967, Cụ Hồ bảo tôi và Tố Hữu thảo bài nói chuyện ‘Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân’, tôi viết chủ nghĩa cá nhân chung chung, Cụ bảo: ‘Vấn đề là ở cấp trung ương chứ không phải ở cơ sở ’. ”(GP, tr. 120-1)
Các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng có khi đẫm đầy máu. Trong cuộc chuẩn bị đại hội đảng năm 1986, Lê Đức Thọ muốn tiến cử Lê Đức Anh hơn là Lê Trọng Tấn, lúc ấy được xem là có uy tín nhất trong quân đội sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái đột ngột từ trần. Ngày 5/12/1986, Lê Trọng Tấn đến số 6 Nguyễn Cảnh Chân gặp Lê Đức Thọ. Vừa về đến nhà, theo lời kể của Huy Đức,
“Tướng Tấn gục xuống bàn. Bà Lê Thị Minh Sơn, phu nhân Đại tướng Lê Trọng Tấn từ nhà dưới chạy lên. Tướng Giáp từ 30 Hoàng Diệu, chạy đến đầu tiên. Người thứ hai là Tướng Đinh Đức Thiện. Trong khi Tướng Giáp cắn chặt răng, đau đớn, Tướng Đinh Đức Thiện, em ruột Lê Đức Thọ kêu lên: “Tấn ơi, đứa nào hại mày?”. […] Ngay lập tức, ông được đưa ra khỏi nhà. Đến đêm, gia đình được thông báo là ông đã mất. Mãi tới sau ngày 7/12/1986, ngày tang lễ của ông, các báo mới đăng thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương: “Đại tướng Lê Trọng Tấn từ trần hồi 18 giờ 50 phút ngày 5-12-1986, thọ bảy mươi hai tuổi, sau một cơn đau cấp tính vì đồng chí đã mắc bệnh tim mạch nặng từ lâu”. Hiếm có một cáo phó nào lại phải “vòng vo” như vậy về nguyên nhân của một cái chết và điều này càng làm tăng thêm hoài nghi. Khi Tướng Lê Trọng Tấn mất, Lê Đức Thọ vừa là người phụ trách công tác tổ chức, vừa phụ trách Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương, cơ quan quyết định tới từng viên thuốc của các nhà lãnh đạo. Cái chết của Đại tướng Lê Trọng Tấn ngay bên thềm Đại hội Đảng, cũng như cái chết trước đó của Đại tướng Hoàng Văn Thái, rất có thể chỉ là do tuổi tác và bệnh tật như “thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương”, nhưng lịch sử phi chính thống đã xếp những cái chết này vào hàng “nghi án”. Hơn một tháng sau cái chết của Tướng Lê Trọng Tấn, ngày 20/1/1987, trong một chuyến đi săn, khi ông Đinh Đức Thiện lấy khẩu súng từ trong xe ra thì đạn nổ, viên đạn xuyên từ cằm lên đỉnh đầu, đục thủng trần xe. Vị tướng đã xông pha biết bao chiến trường ấy cuối cùng đã chết vì “súng bị cướp cò”. (GP, tr. 151)
Cuối cùng, thứ năm, là sự bất lực. Theo Đỗ Phượng, tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: “Không ít lần tôi báo cáo thông tin với đồng chí Tổng bí thư, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy anh Ba ngồi yên, nghe mà như không nghe, không hỏi lại mà cũng không ngắt lời.” Khi ông Đỗ Phượng nói “muốn được nghe ý kiến của anh”, ông Lê Duẩn đứng dậy, nói bằng một giọng nhẹ nhàng mà ông Đỗ Phượng nói là ông chưa từng nghe bao giờ: “Thế anh bảo Trung ương phải làm gì đây, tôi phải làm gì đây! Các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm bên Đảng và bên chính phủ đều có mặt tại chỗ. Khó khăn thì phải tìm cách tháo gỡ, ngồi mà kêu cực trông chờ ai cứu mình”. (GP, tr. 127)
Giới lãnh đạo Việt Nam thường kể công: nhờ sự lãnh đạo sang suốt của họ mà đất nước ngày một giàu mạnh và nhân dân ngày một no ấm. Cuốn Bên Thắng Cuộc củng cố một sự thật mà ai cũng biết: Tất cả những tai hoạ mà nhân dân phải gánh chịu từ năm 1975 đều đến từ đảng: từ việc đánh tư sản, mở các trại cải tạo, quốc hữu hoá các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác hoá nông nghiệp, ngăn sông cấm chợ, kỳ thị trí thức miền Nam, chính sách giá - lương- tiền, v.v.. Đảng chỉ làm được hai việc chính: một, vì trung thành với mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Trung Quốc, đưa ra những chính sách sai; và hai, cũng vì lý do trên, tìm mọi cách để bảo vệ và kéo dài những cái sai ấy. Những đóng góp lớn nhất nhằm thoát khỏi tình trạng đói khổ đều là những quyết định “xé rào”, đi ngược lại chính sách của đảng. Đến giữa thập niên 1980, khi đưa ra chính sách đổi mới, đảng chỉ hợp thức hoá các hành động xé rào ấy. Như vậy, công thuộc về ai? Và tội thuộc về ai?
Huy Đức kể:
“Xuống Viso, ông Võ Văn Kiệt nói: ‘Không có cuộc chiến tranh nào kết thúc mà bên chiến thắng tiếp quản được một thành phố nguyên vẹn hoàn toàn như Sài Gòn. Những cái khó, ách tắc còn lại chỉ là tự mình gây ra, tự mình trói mình. Chúng ta phải tháo gỡ, tháo không được thì phải chòi đạp.’ Giám đốc Viso, ông Nguyễn Quang Lộc, nói với ông Kiệt: ‘Ta phải học cách làm của tư bản thôi’.” (GP, tr. 130)
Võ Văn Kiệt chưa dám học cách làm của tư bản, ông - cũng như Nguyễn Văn Linh, người làm Bí thư Thành uỷ kế tiếp ông - đã bị phê phán kịch liệt từ Trung ương. Ngày 10/8/1982, trên chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, Tố Hữu nói: “Chưa tới Tân Sơn Nhất đã ngửi thấy mùi Nam Tư.”
Đối với giới lãnh đạo, cái “mùi Nam Tư” ấy còn đáng sợ hơn là cái sự đói khổ của dân chúng và sự lạc hậu của đất nước.
Năm đặc điểm nêu trên đã đủ cho bức phác hoạ chân dung giới lãnh đạo “bên thắng cuộc” chưa? Chắc chắn là chưa. Có ít nhất một khía cạnh khác chưa được đề cập: tham nhũng. Có lẽ Huy Đức không thiếu tài liệu. Anh muốn dành nó cho một cuốn sách khác chăng?
Hy vọng vậy.
***
Đăng lại từ tranhung09
Chú thích:
Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của Bên Thắng Cuộc.
*****
Bên thắng cuộc là cuốn sách viết ra với mưu đồ chính trị. Nên những luận điệu trong cuốn sách cũng có mục đích chính trị. Vậy thì có nên tin không. Có lẽ là không
Trả lờiXóaThật là một trò lố thảm hại. Nếu như tác giả và Huy Đức viết thì làm sao những con người đó giải phóng được đất nước. Phải khẳng định những con người bước ra khỏi chiến tranh là những con người có đầu óc siêu Việt và đáng ngưỡng mộ. Đó là điều chắc chắn.
Trả lờiXóa