Cu Tí kinh doanh gì ở đây?

Mua dân chủ của Bần nông gia,bán kiến thức cho Bác học nhà...

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Lão Tử hành đạo ở đâu???

Bách Việt 18

Lão Tử hóa ... Việt kinh  


Đình Thổ Hà – xã Vân Hà – Việt Yên – Bắc Giang
Bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa thế giới, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà đã có trong danh sách xếp hạng di tích của Viện Viễn Đông Bác Cổ từ thời Pháp. Đình này nổi bật bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là … Lão Tử, Thái Thượng Lão Quân. Trích thần tích chép từ văn bia Cung sao sự tích thánh tại đình:
Đời vua Thục An Dương Vương phả lục chép rằng có một vị đại vương cấp bậc Thượng đẳng thần thuộc bộ Càn Hào. Sau khi Hùng Vương thứ 18 mất ngôi, vua An Dương Vương nối ngôi. Có một người từ Bắc quốc đến đạo Kinh Bắc, phủ Bắc Hà, huyện An Việt và ở nhờ chùa Đoan Minh Tự của trang Thổ Hà. Ngày đêm giảng kinh đọc sách, có sức màu nhiệm như thần, trong trang có nhiều con em theo học.

Một hôm Người bảo học trò rằng: ta sinh ra từ thủa Hồng Mông, trời đất mới mở mang, cho nên ta thông minh khác thường. Năm xưa mẹ ta kể chuyện rằng: mẹ vốn là người từ bi, huyền diệu mà sinh ra, tên là Mỹ Thổ Hoàng. Có một đêm mẹ ta nằm mơ thấy nuốt một vì sao ngưu tinh, thế là mẹ có thai đủ 81 năm. Đến ngày 7 tháng giêng năm Canh Thìn nách tay phải của mẹ rung động rồi sinh ra ta. Khi ta mới ra đời đầu đã bạc, chân có chữ, ta không có bố, khi đẻ mẹ vịn vào cây mận cho nên lấy họ ta là Lý, tên là Lão Đam, tên chữ Lý Bá Dương, lại có tên là Thái Thượng.
Quanh vùng nơi ở của người không ai xảy ra tật bệnh, nên người trong trang thường bảo nhau rằng: đó là khí sinh thánh tổ, chẳng phải người thường, các nơi cũng đến xin làm thần tử. Từ đó danh vang thiên hạ, người đến theo học càng đông. Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi, trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử liền vâng mệnh đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú rằng: "Đạo pháp bản vô đa, nam thần quán Bắc Hà, đô lai tam thất tự, tận diệt thế gian ma". Đọc chú xong, Người lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương, các nơi đều yên ổn.

Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân (người tài nhất). Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang. Về tới nơi Người liền cho xây dựng cung doanh trị sở. Khi xây xong Người cho mời các bô lão trong trang và tất cả học trò đến mở tiệc ăn mừng. Lúc sắp sửa ăn bỗng thấy đám mây năm sắc từ từ sa xuống đất, trong mây thấp thoáng có bóng người mặc áo đỏ, Lão Tử liền theo đám mây cưỡi rồng đỏ mà biến mất. Bấy giờ là năm Giáp Tý ngày 22 tháng 2 (đời vua An Dương Vương) Người đã hóa…

Mặc dù thần tích không hề nói Thái Thượng Lão Quân của làng Thổ Hà là Lão Tử nổi tiếng của Trung Hoa, nhưng tên của vị thành hoàng này hoàn toàn trùng với tên Lý Lão Đam – Lý Bá Dương. Lão Tử Trung Hoa lập công nghiệp rồi hóa thần ở Việt Nam, chuyện này phải giải thích sao đây?

Xem vào câu đối cổ trong đình Thổ Hà:
Đẳng Thích Ca nhân tế quần sinh, phật pháp thiên cổ / thần tiên thiên cổ
Dữ Khổng thánh công thùy vạn thế, Xuân Thu nhất kinh / Đạo Đức nhất kinh.



Dịch:
Sánh Thích Ca nhân nghĩa giúp chúng sinh, phật pháp nghìn đời kiếp / thần tiên nghìn đời kiếp
Cùng Thánh Khổng công đức trùm vạn thế, Xuân Thu một bộ kinh / Đạo Đức một bộ kinh.

Câu đối này dùng hình thức trình bày khá hiếm gặp. Trong một vế đối có đoạn được tách làm 2 một cách song song. Hình thức và nội dung này nêu bật quan niệm Tam giáo đồng nguyên: Đạo giáo của Lão Tử, Nho giáo của Khổng Tử và Phật giáo của Thích Ca sánh cùng nhau, song hành trong dân gian.

Một câu đối khác:
Huyền tham Thích điển công tỉ Ni Sơn, Đạo Đức nhất kinh truyền chí bảo
Quyết bản Khương công thuật khai Hoàng Thạch, thần tiên chung cổ hiển linh tung.

Dịch:
Huyền diệu vào tích Thích Ca, công đức như núi Vô Sơn, Đạo Đức kinh một bộ truyền báu vật.
Phù quyết gốc từ Khương Công, pháp thuật mở tảng Đá Vàng, thần tiên tự cổ xưa sáng dấu linh.

Câu đối nói tới sự hiện diện của Lão Tử trong phật điển. Đây là truyện “Lão Tử hóa hồ kinh”, kể rằng Lão Tử sau khi xuất quan ải đã đi sang Ấn Độ mở đầu phật giáo ở đó. Chuyện “Lão Tử hóa hồ” đã là đề tài tranh cãi của hai phái Đạo và Phật trong nhiều thời đại.

Vế sau ở câu đối trên còn nêu một điển tích khác, nói tới pháp thuật của Khương Thái Công Lã Vọng, người giúp Chu Vũ Vương nên nghiệp thiên tử ngàn năm. Khương Thái Công sau lại hóa hình là Hoàng Thạch Công, truyền sách binh pháp cho Trương Lương phò trợ Lưu Bang lập nhà Hiếu (Sử ký).

Qua những câu đối trên thì không còn nghi ngờ gì nữa: vị thành hoàng thờ ở Thổ Hà chính là Lão Tử, người mở đầu Đạo giáo, viết Đạo Đức kinh, cùng Khổng Tử dựng nên nền văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa xưa. Thực ra đình Thổ Hà không chỉ là đình của làng mà đây là nơi từng được xuân thu quốc tế, tức là Thái Thượng Lão Quân ở đây là một vị thần mang tầm quốc gia của các triều đại Việt Nam xưa.

Theo Hoa sử thì Lão Tử sống muộn lắm cũng là vào đầu thời Đông Chu (thời Xuân Thu). Nhà Chu bị Tần Chiêu Tương Vương diệt vào năm 256 TCN. Còn nhà Thục của Việt Nam theo sử sách chép sớm lắm cũng chỉ bắt đầu từ năm 257 TCN. Từ thời Xuân Thu tới thời Thục An Dương Vương có cả vài trăm năm. Vậy làm thế nào Lão Tử của nhà Chu lại có thể giúp vua Thục ở nước Việt trừ yêu dẹp quỉ được?



Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai đạo Giáo
Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền huyễn hóa tác thần tiên.

Dịch:
Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng tay nắm chốn thanh hư, khai mở đạo Giáo
Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một mình truyền phép màu nhiệm, tạo tác thần tiên.

Vế đầu câu đối trên cho biết Lão Tử, người mở đạo Giáo sống vào thời “Đông Chu” của Hoa sử. Còn vế dưới lại nói rõ “Nam Việt” là nơi “duy thử địa”, vùng đất duy nhất mà Lão Tử đã hóa thần tiên. Kết hợp hai vế đối này thì chỉ có cách hiểu hợp lý duy nhất là: nhà Chu của Hoa sử chính là nhà Thục của Nam Việt. Chỉ có vậy mới có thể giải thích vì sao Lão Tử Trung Hoa lại có mặt trong một triều đại ở Việt Nam.

Xem lại tiểu sử của Lão Tử được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên, nguyên văn như sau:
Lão tử giả, Sở Khổ huyện, Lệ hương, Khúc Nhân lý nhân dã. Tính Lý thị, danh Nhĩ, tự Bá Dương. Thụy viết Đam. Chu thủ tàng thất chi sử dã. Khổng tử thích Chu, tương vấn lễ ư Lão tử…
Thường được dịch là:
Lão Tử là người thôn Khúc Nhân, làng Lệ huyện Khổ, nước Sở. Ngài họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Đam. Làm quản thủ thư viện nhà Chu. Khổng Tử đến Chu, hỏi Lão Tử về lễ…

Phần dịch trên đã không theo sát nguyên văn về quê hương của Lão Tử. Sử ký chép “Lão Tử người huyện Sở Khổ”, chứ không hề nói Lão Tử là người nước Sở. Đọc phần tiếp theo, Lão Tử “làm quản thủ thư viện nhà Chu”. Nhà Chu là thiên tử, là triều đại chính của thời Lão Tử nên trong đoạn văn không cần nêu “trong triều Chu” thì vẫn phải hiểu Lão Tử là người nước Chu, huyện Sở Khổ. Vì Lão Tử ở nước Chu nên Khổng Tử mới đến Chu tìm gặp.

Một sách khác là Lão Tử Minh chép về xuất xứ của Lão Tử, nguyên văn như sau:
Lão tử tính Lý, tự Bá Dương, Sở Tương huyện nhân dã. Xuân thu chi hậu, Chu phân vi nhị, xưng Đông, Tây quân. Tấn lục khanh chuyên chinh, dữ Tề Sở tịnh tiếm hiệu vi vương. Dĩ đại tính tiểu, Tương huyện hư hoang, kim thuộc Khổ. Cố thành do tại. Tại Lại hương chi đông oa thủy xứ kỳ dương, kỳ thổ địa uất ông cao tệ, nghi sinh hữu đức quân tử yên.

Dịch:
Lão Tử tính Lý, tự Bá Dương, người huyện Tương nước Sở. Sau thời Xuân thu, Chu triều chia làm hai gọi là Đông quân, Tây quân. Lục khanh nước Tấn tự ý động binh gây chinh chiến. Tấn cùng với Tề, Sở tự xưng vương. Nước lớn thôn tính nước nhỏ. Huyện Tương trở nên hoang vu, ngày nay thuộc Khổ. Thành lũy cũ nay hãy còn. Phía đông làng Lại có con sông chảy qua. Vùng này là một khu đất cao cỏ cây tươi tốt, dễ sinh ra một bậc thượng nhân tài đức.
Tương tự như Sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử Minh cũng không nói Lão Tử người “Sở quốc” mà nói Lão Tử người “Sở Tương huyện”. Câu tiếp theo ở xuất xứ này lại một lần nữa nói tới nhà Chu. Rõ ràng phải hiểu Lão Tử là người nước Chu ở huyện Sở Tương.

Đoạn trên trong Lão Tử Minh còn có nói “Sở tự xưng vương”, thế mà “huyện Tương” lại “trở nên hoang vu”? Nước Sở xưng vương thì huyện Tương nước Sở phải thịnh vượng mới đúng chứ sao lại trở nên hoang vu?... Huyện Tương hoang vu bởi vì huyện này không nằm ở Sở, mà nằm ở Chu.

Chữ Sở trong Sở Khổ hay Sở Tương huyện có thể chỉ là từ chỉ phương hướng: Sở = Sủy = Thủy = nước là tượng của phương Bắc ngày nay. Như vậy lai lịch của Lão Tử theo Sử kýLão Tử Minh trùng với thần tích của đình Thổ Hà về việc có một nhà hiền triết đến từ phương Bắc. Mạnh dạn hơn nữa, có thể Sở Khổ hay Thủy Khổ phiên thiết cho chữ Thổ, chính là Thổ Hà, tên làng thờ Lão Tử ngày nay. Làng này có con sông Cầu chảy qua đúng như sách Lão Tử Minh chép.


Bến Thổ Hà
Câu đối ở đình Thổ Hà:
Do Chu ngật kim, nhất kinh truyền đạo đức
Tại hà chi tứ, vạn cổ chấn anh linh.

Dịch:
Từ thời Chu tới nay, một bộ kinh truyền đạo đức
Cạnh sông Cầu bên bến, chục ngàn đời chấn linh thiêng.

Về hàng trạng của Lão Tử trong Lão Tử Minh chép:
Lão tử vi Chu tử tàng thất sử. Đương U vương thời, tam xuyên thật chấn dĩ Hạ Ân chi quí, âm dương chi sự, giám dụ thời vương.

Dịch:
Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng ba sông bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.
Nhà Chu có vùng Tam Xuyên (ba sông) như trong sách dẫn trên. Tam Xuyên là đất Đông Chu, nơi Tần Thủy Hoàng sau khi diệt Chu đã lập quận Tam Xuyên. Nhưng: Tam Xuyên = Tam Giang. Tên này còn lưu trong tên thánh Tam Giang, tức Trương Hống - Trương Hát, hai vị thần bên dòng sông Như Nguyệt, con sông chảy qua làng Thổ Hà.

Thần tích ở đình Thổ Hà về Lão Tử:
Vua (Thục An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi, từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng).

Có thể thấy truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa và cơn “địa chấn” lúc giao thời Tây – Đông Chu chỉ là một. Diễn biến việc này có thể như sau: Lão Tử sống vào cuối thời Tây Chu (Chu U Vương) sang tới đầu thời Đông Chu. Khi nhà Chu chuyển về phía Đông, tới vùng Tam Xuyên – Tam Giang, thì gặp trận động đất lớn. Thanh lang thành (Lạc Dương) bị rung chuyển. Lão Tử nhân đó nói là âm khí của thời Hạ Thương phát hại, nhằm răn khuyên thiên tử Chu. Truyền thuyết Việt chép thành vua Thục (vua Chủ) xây thành Cổ Loa bị đổ, phải nhờ Lão Tử phái Thanh Giang sứ giả (Thương sứ) tới giúp dẹp yêu quỉ thì thành mới xây được.


Cửa võng đình Thổ Hà
Câu đối ở cửa võng đình Thổ Hà:
Qui giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỉ
Long năng thừa hóa, ngũ vân trang hạ ký đăng tiên.

Dịch:
Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỉ
Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Thần tích, câu đối trong dân gian Việt chính là những “bộ kinh” còn truyền thiên thu về lịch sử Hoa Việt chói ngời. Nhà Chu từ lúc Khương Thái Công
câu cá bên sông … Tô Lịch, Chu Vũ Vương cùng … Thánh Gióng đánh giặc Ân, tới Lão Tử người … “huyện Thổ Hà” khai mở Đạo giáo, Chu Bình Vương dời đô về Cổ Loa… Tất cả đều còn lưu trong bia đá, bia gỗ, bia miệng … ở Việt Nam.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét