Cu Tí kinh doanh gì ở đây?

Mua dân chủ của Bần nông gia,bán kiến thức cho Bác học nhà...

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Trách nhiệm lịch sử*(PI)


Góp ý kiến Đại hội XI

Trách nhiệm lịch sử*(P I)

Nguyễn TrungHà Nội

Kính dâng Tổ quốc nhân dịp 1000 năm Thăng Long
*Bài này nên đọc cùng với bài
Thời Đại Mới, số 18, tháng 3/2010
I. Tình hình đã chin muồi

Lịch sử đầy máu và nước mắt của nước ta trong thế kỷ 20, đặc biệt trong nửa sau của thế kỷ này cho thấy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn thấu đáo cục diện và xu thế của thế giới hiện tại - với lý tưởng lợi ích quốc gia là duy nhất và trên hết, để có đủ trí tuệ và bản lĩnh tạo ra cho đất nước bên trong là sự đồng thuận không gì phá vỡ được, bên ngoài là một bối cảnh hòa bình tối ưu cho phép – bao gồm những mối quan hệ quốc tế thuận lợi có thể tranh thủ được. Đòi hỏi này ngày nay rất cấp bách, vì đất nước đang cần có mọi điều kiện thuận lợi nhất để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới - trong một thế giới đang có nhiều bất trắc mới vì những biến đổi sâu sắc cả về kinh tế và chính trị đang diễn ra.

Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, thế giới tiếp tục đi sâu vào cục diện đa cực. Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, song đang xuống dốc nhanh. Trung Quốc đang ngoi lên nhanh trên con đường trở thành siêu cường.

Điểm lại, trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh Mỹ chiếm được vị thế quốc tế mạnh nhất trong lịch sử của nó, song cũng là thời kỳ Mỹ chịu nhiều thất bại và tổn thất nhất, là thời kỳ quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ sa sút nhanh nhất so với mọi thời kỳ từ sau chiến tranh thế giới II đến nay. Nguyên do là “tham vọng và gánh nặng đế chế” quá lớn và sự đổ vỡ thảm hại của chủ nghĩa tân tự do trong kinh tế! Tình hình nghiêm trọng đến mức trong khi tranh cử và kể cả sau khi thắng cử Obama chủ trương phải thay đổi cấu trúc kinh tế Mỹ, từ bỏ học thuyết Bush trong chiến lược toàn cầu, Mỹ phải tìm cách tiếp cận mới để không thu hút mọi gánh nặng toàn cầu vào Mỹ - thực chất là chấp nhận một bước lùi chiến lược.

Thất bại của Mỹ kéo theo vị thế toàn cầu của cả phương Tây xuống thấp. Trong bối cảnh như thế, người ta càng bị ấn tượng sâu sắc là Trung Quốc đang đi nhanh quá trên con đường trở thành siêu cường - gần như với bất kỳ giá nào: khai thác lao động rẻ trong nước, chấp nhận môi trường trong nước bị ô nhiễm tệ hại, thẳng tay trong các vụ Tây Tạng, Tân Cương, chủ nghĩa thực dân mới kiểu mới ồ ạt ở mọi nơi trên thế giới liên quan đến thu hút tài nguyên, ráo riết vũ trang, uy hiếp Biển Đông… Trung Quốc 2009 có trong tay 2100 tỷ USD để giữ vai chủ nợ lớn nhất thế giới và sẽ còn tăng nữa (hiện nay là 2400 tỷ USD).

Chưa bao giờ như hiện nay sách báo và các phương tiện truyền thông Mỹ lại đầy dẫy các nhận định, đánh giá, về Hiện tượng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trở thành chủ nghĩa tư bản toàn trị đặc sắc Khổng giáo, về Sự giới hạn của quyền lực Mỹ, về Chiến lược toàn cầu của Washington đang hủy hoại nước Mỹ, về Triển vọng chẳng lấy gì làm sáng sủa của Obamanomics, về Sự cáo chung của đế chế Mỹ, vân vân, - và về …Các chủ thuyết và mô hình phát triển hiện có xuất hiện nhiều vấn đề phải xem lại. Thế giới trong thập kỷ tới này phải chăng đang nghiêng về phương Đông?!.. Đang manh nha một trật tự thế giới mới... [1]

Thật rất khó thờ ơ trước những ý kiến hay nhận định như vậy. Tình hình này liên quan đến mọi quốc gia, trong đó có lẽ đặc biệt là Việt Nam – vì nước ta ở sát nách cái “công xưởng thế giới” và nằm ngang con đường độc đạo thuận lợi nhất cho siêu cường tương lai Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Cường quốc quân sự lớn nhất này trong khu vực đang hàng ngày có nhiều hành động trực tiếp uy hiếp nước ta trên Biển Đông – mặc dù lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định quan hệ 16 chữ với Việt Nam.

Trên thế giới đã thấp thoáng các mối lo: Một khi do Mỹ ngày càng suy yếu và vì thế có thể xuất hiện khả năng Mỹ -Trung Quốc thoả hiệp tay đôi chi phối thế giới, tình hình sẽ ra sao? Lác đác đã có dự báo về một khả năng lúc nào đó sẽ tái hiện trở lại “mối quan hệ các quốc gia triều cống” dưới dạng mới nào đó và Trung Quốc sẽ có một số nước chư hầu thời hiện đại!.. Nếu lại thêm tình hình một nền kinh tế lớn nào đó – ví dụ Trung Quốc – nổ bong bóng, hay các nền kinh tế phương Tây chưa có lối ra – ví dụ như căn bệnh “Hy Lạp”[2]… sẽ chấn động đến nước ta như thế nào? Nếu hai đồng tiền USD và Nhân dân tệ sẽ “đánh nhau” hay “bắt tay nhau” (vấn đề tỷ giá và phá giá đồng tiền)?..[3] Nếu quan hệ Mỹ - Trung nóng lên cũng rất phiền toái cho nhiều nước, trước hết là Việt Nam, vân vân…

Tóm lại, thế giới vừa bước vào một thời kỳ mới của khủng hoảng mô hình phát triển kinh tế - đến mức phải nhìn lại nhiều vấn đề của các chủ thuyết,[4] vừa có nhiều thay đổi lớn trong các mối tương quan chính trị, phía trước có nhiều chuyện khó lường. Tất cả đặt nước ta đứng trước nhiều thách thức mới.

Nhìn xa thêm chút nữa, hiện nay Việt Nam là một trong nhóm 11 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời gian không còn nhiều để chuẩn bị đối phó với những nguy cơ đang đến gần – ví dụ khoảng gần cuối thế kỷ này có thể mất tới 20% diện tích trồng trọt vì mất ruộng và vì ngập mặn trong khi dân số nước ta vào khoảng thời gian ấy sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Thậm chí ngay từ năm 2020 sự gia tăng của nhiệt độ và biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp nước ta…[5] Ngay trước mắt thiên tai ngày càng nhiều và lớn, nước và năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm, v.v. Đó là những vấn đề nóng bỏng của phát triển của nước ta, đòi hỏi phải được xử lý ngay từ hôm nay, không thể tiếp tục mô hình phát triển cũ. Thế hệ hôm nay không có quyền sống nước đến chân mới nhảy, không có quyền để lại mọi gánh nặng cho các thế hệ sau, càng không được phép đời cha ăn ốc, đời con đổ vỏ!

Trên hết cả, sau chặng đường 25 năm đầu tiên của đổi mới, mô hình phát triển theo chiều rộng[6] đã làm xong chức năng của nó, đất nước ta nhất thiết phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Tình hình cấp bách đến mức có thể nói: Vì đã đi tới cái ngưỡng của nó, mô hình phát triển theo chiều rộng ngày càng phát sinh những yếu kém nội tại; nổi bật là càng tăng trưởng kinh tế như hiện nay càng có nhiều ách tắc, thể chế chính trị đang tích tụ ngày càng nhiều bất cập, trở thành trở lực chính kìm hãm đất nước ta phát triển, đang làm tê liệt khả năng của nước ta đối phó với thách thức cũng như tranh thủ cơ hội mới. Chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu – mô hình phát triển dựa trên phát huy sức mạnh của nguồn lực con người, thực chất cũng là phát huy sức mạnh của dân chủ - ngày nay trở thành đòi hỏi khách quan của nước ta trong tình hình mới.[7]

Chính thực tế vừa trình bày trên xác định nhiệm vụ chính yếu đặt ra cho nước ta trong thập kỷ tới là phải cơ bản khắc phục mọi yếu kém, để mở đường cho đất nước đi vào một giai đoạn phát triển mới, xử lý thành công mọi thách thức phía trước trong một thế giới nhiều biến động mới.[8]

Muốn thế, trước hết cần dũng cảm và nghiêm túc nhìn lại cả chặng đường dân tộc ta đã trải qua từ khi Thế Chiến II kết thúc cho đến nay. Đơn giản vì lẽ: Có dân tộc nào muốn thành công trên con đường trở thành một quốc gia phát triển và văn minh mà không phải nghiêm khắc nhìn lại mình? Lịch sử không làm lại được, nhưng bài học thì phải rút ra.

Câu hỏi nên đặt ra là: Vì sao một dân tộc có bề dày lịch sử và văn hóa như dân tộc ta, vào thời đại ngày nay đã hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập và thống nhất đất nước trong bối cảnh quốc tế khốc liệt, song lại vẫn là một quốc gia phát triển lạc hậu sau 35 năm nỗ lực kiến thiết đất nước? Cái gì là những yếu kém của tự thân nước ta, cái gì là do nguyên nhân cản trở hay kìm hãm từ bên ngoài? Đối với mọi người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước, câu hỏi này sẽ nhức nhối hơn nếu so sánh mức độ phát triển mọi mặt nước ta đạt được hôm nay với những hy sinh, mất mát dân tộc phải chịu đựng trong những thập kỷ kháng chiến, và sau này là công sức đã bỏ ra cho 35 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, so sánh với các nước cùng điều kiện tương tự nhưng đi nhanh hơn nước ta!.. Nói đơn giản, nhìn lại 35 năm qua, GDP tính theo đầu người của nước ta hôm nay tăng khoảng 10-12 lần so với sau khi ra khỏi chiến tranh, trong khoảng thời gian này Trung Quốc tăng gần 20 lần, Hàn Quốc và Đài Loan tăng khoảng 40 lần, v.v… Tụt hậu là tụt hậu, cạnh tranh là cạnh tranh, trong thế giới của hội nhập toàn cầu hoá không có sự chiếu cố “tại vì nước ta thế này, tại vì nước ta thế nọ…”, cạnh tranh với Trung Quốc càng không có chuyện chiếu cố “tại vì…” này nọ!..

Những thành tựu đạt được có thể mở ra một triển vọng tốt đẹp cho đất nước, nhưng đồng thời thực trạng hiện nay cũng đang thai nghén những hiểm họa khôn lường. Triển vọng, hay hiểm họa nặng nhẹ hơn nhau như thế nào? Cái nào sẽ lấn át cái nào?.. Tình hình mọi mặt của đất nước hôm nay đang đặt ra nhiều điều lo âu. Tất cả nói lên: Đất nước chí ít từ Đại hội IX đã đứng trước ngã ba đường: hoặc là dấn thân đi vào hướng phát triển phồn vinh của dân chủ tự do, hay sẽ ngoặt vào đổ vỡ - do sự tham nhũng độc tài bên trong và do sự o ép từ bên ngoài![9]

Thành tựu đạt được dù to lớn đến đâu cũng chưa thể nói là vững chắc, nguy cơ kiếm củi ba năm thiêu một giờ hoặc rơi vào khốn quẫn luôn luôn cận kề. Nguy cơ này đang gia tăng. Trong nhiều năm qua khắp nơi trong nước không lúc nào ngớt tiếng nói nặng lòng với đất nước, với Đảng, đã nêu lên những cảnh báo nghiêm khắc. Có đảng viên đã chiến đấu gần hết cuộc đời trong hàng ngũ Đảng phải thốt lên: Đảng trong tim tôi và Đảng ngày nay là hai Đảng khác nhau mất rồi! Có đảng viên đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy của “nội xâm”[10] và “ngoại xâm”.

Nếu tổng hợp những ý kiến đóng góp với thiện chí, một mặt chẳng những sẽ thấy rõ thực trạng đất nước hiện nay nguy hiểm đến mức nào, mặt khác cũng thấy rõ ràng lối ra sáng sủa của đất nước nếu quyết tâm lựa chọn.

Không một sự quy chụp hay xuyên tạc nào có thể bác bỏ những ý kiến phân tích thấu đáo và thiện chí như vậy. Chỉ riêng việc những người tâm huyết này đặt vấn đề Đảng phải chủ động tự đổi mới để đất nước thoát tụt hậu và tránh nguy cơ sụp đổ của Đảng, cũng là tránh nguy cơ tổn thất và đổ máu cho đất nước, đã đủ nói lên ý thức trách nhiệm của họ.

Còn bạn bè xa gần đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam cần rút ra các bài học trên thế giới để tránh bằng được rơi vào cái bẫy các nước có thu nhập trung bình – nghĩa là đi dần đến chỗ bế tắc và không thể trở thành một nước công nghiệp hóa hay một nước phát triển – với triển vọng cuối cùng là sẽ đi tới hỗn loạn và sụp đổ - như đang lặp đi lặp lại năm này qua năm khác ở hàng chục nước đang phát triển khắp nơi trên thế giới. Ngay cạnh nách ta là tình trạng bế tắc của Thái Lan, Myanma[11]

Giả sử đặt ra một cuộc thăm dò ý kiến trong các tầng lớp nhân dân thế hệ đã tham gia kháng chiến với câu hỏi: Nếu biết cái đích đi tới được sau 35 năm độc lập thống nhất là thực trạng mọi mặt đất nước như hôm nay, liệu dân tộc ta trước đây có dám hy sinh chiến đấu hết thế hệ này đến thế hệ khác như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam hay không? Câu chuyện có lẽ sẽ còn trầm trọng hơn nhiều nếu tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân về thực trạng hiện nay của đất nước và lòng tin của dân đối với chế độ.

Tuy rằng chưa có cuộc thăm dò ý kiến với chữ “nếu” như thế này, song ngày càng nhiều tiếng nói của những đảng viên chân chính bầy tỏ sự thất vọng về nhiều vấn đề trong thực tại cuộc sống hiện thời. Trong số những người ấy, có không ít là đảng viên thuộc bậc khai quốc công thần, lão thành cách mạng... Có những bà mẹ từng mang đơn đi kiện cơ quan chính quyền các tội tham nhũng đã phải thốt lên: Biết các người hư hỏng như hôm nay, chắc chắn ta đã không che chở cho các người trong những khi bị địch bố ráp năm nào!
II. Bàn thêm về chữ “nếu”

Dù chưa có hay không có những cuộc thăm dò ý kiến rất đáng làm như nói trên, trong tư duy chúng ta không thể tránh né các chữ “nếu” để có thể nhìn hết mọi chiều cạnh của sự vật.

Xin đơn cử hai trường hợp cụ thể:

- Một là: Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói chiến thắng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước là chiến thắng của toàn dân tộc. Giả thiết rằng với tinh thần như vậy, ngay sau chiến thắng 30 Tháng Tư, nếu Đảng giương cao ngọn cờ dân chủ và thống nhất dân tộc, thu nhân tâm về một mối, không phân biệt bên này bên kia, kêu gọi mọi người một lòng đem hết tài sức ra hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước… Nếu làm được như vậy, cái bẫy vấn đề Campuchia liệu có tác dụng ghê gớm đến thế không? Kẻ thù trong, ngoài nào sẽ làm gì được Việt Nam? Tổn thất mới nào sẽ tránh được, thương đau nào sẽ dịu bớt? Và ngày hôm nay Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong hàng ngũ các quốc gia trên thế giới?..

- Hai là: Mùa đông 1990-1991 Liên Xô tan rã, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của phe (hệ thống) xã hội chủ nghĩa, chiến tranh lạnh kết thúc; trong khi đó Trung Quốc sau khi tiến hành cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam tháng 2-1979 chưa ra khỏi chấn động Thiên An Môn (1989); Mỹ đang bận rộn với chiến tranh vùng Vịnh trừng phạt Iraq xâm lược Kuwait trong một cục diện quốc tế đã thay đổi (Mỹ chú trọng những mục tiêu chiến lược toàn cầu khác ngoài khu vực Đông Dương). Giả thiết rằng trong bối cảnh không còn hai phe như vậy, nếu Việt nam giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ, về đối nội thì phát huy đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc xây dựng đất nước (mà như vậy cũng có nghĩa là phát huy dân chủ xây dựng đất nước), về đối ngoại bang giao và hợp tác với mọi quốc gia vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam có cần phải tìm kiếm liên minh ý thức hệ không[12]? Việt Nam có cần chấp nhận những nhân nhượng không đáng có và liệu có rơi vào tình thế bị bao vây cấm vận kéo dài đến tận giữa thập kỷ 1990 hay không? Lựa chọn phương án này, ai làm gì được Việt Nam? Lựa chọn phương án này, Viêt Nam đương nhiên chẳng phải dựa vào ai, và ngày hôm nay Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong bàn cờ thế giới, trong ASEAN?..

Trên thực tế Đảng đã lựa chọn quyết sách gì vào hai thời điểm lịch sử nêu trên?

Xin gợi ra đôi điều.

Về trường hợp chữ “nếu” thứ nhất:

Sau khi giành lại được đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cực kỳ quan trọng. Nhằm mục tiêu này, sau chiến thắng 30 Tháng Tư 1975, Đảng đã lựa chọn con đường đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội, với niềm tin sâu sắc đó là con đường mở ra tương lai cho Việt Nam và giành lấy vị thế quốc tế xứng đáng. Về căn bản, đấy là sự lựa chọn của duy ý chí và lòng yêu nước trên nền tảng ý thức hệ mà Đảng hằng nuôi dưỡng và theo đuổi.

Sự lựa chọn này phải chăng đã bỏ qua thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ mang trong nó 5 hay 6 cuộc chiến tranh khác nhau: (1) Cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống Mỹ xâm lược, (2) cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc mà Việt Nam là tiền đồn – nói khác đi, đó là một cuộc chiến tranh nóng trong thời kỳ chiến tranh lạnh trực tiếp giữa 2 “phe” diễn ra trên đất Việt Nam, (3) cuộc chiến tranh trá hình (proxy war) giữa Liên Xô và Mỹ trên đất Việt Nam, (4) cuộc chiến tranh trá hình giữa Trung Quốc và Mỹ trên đất Việt Nam, (5) cuộc giành giật ảnh hưởng toàn cầu giữa Liên Xô và Trung Quốc trên đất Việt Nam, và (6) trên hết cả, và đau lòng hơn tất cả - do nhiều nguyên nhân chính trị, lịch sử và do bối cảnh quốc tế rất phức tạp (nhất là những hệ quả của chính sách chia để trị và chủ nghĩa thực dân mới đang rất thịnh hành hồi đó, những hệ quả của ba dòng thác cách mạng[13] cuốn hút hầu như toàn bộ thế giới thứ ba trong thời kỳ này, của 2 phe 4 mâu thuẫn, sự xô đẩy của các trào lưu trên thế giới...) - cuộc chiến tranh này còn mang tính chất nội chiến Bắc-Nam kéo dài, rất đẫm máu và sâu sắc, bắt nguồn rất sớm từ thời kỳ nước ta mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, và đấy cũng là tình huống nước ta bị xô đẩy vào, là bi kịch dân tộc, là cái giá bắt buộc phải trả vô cùng đau xót cho thống nhất đất nước[14].

Nhìn lại có thể nói: Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược kết thúc, mọi vấn đề thời hậu chiến đặt ra từ 6 cuộc chiến tranh này không được nhìn nhận thấu đáo, không được xử lý thỏa đáng. Về đối nội không làm tốt được hòa giải, dung dưỡng sức dân, thu nhân tâm về một mối và tạo ra sinh lực mới của đất nước để giữ cho trong ấm. Về đối ngoại là thực hiện không tốt bài học của cha ông: đánh giặc xong còn phải lo trải chiếu hoa mời giặc về để giữ cho được ngoài êm. Mọi nỗ lực sau khi kháng chiến kết thúc chủ yếu chỉ được dành cho quan điểm thừa thắng xông lên giành chiến thắng cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi sai lầm chủ quan và duy ý chí bắt đầu từ đây.

Sự lựa chọn nói trên của Đảng sau 30 Tháng Tư 1975 còn dựa trên lòng tin chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu và đang chiến thắng của thời đại (mặc dù chủ nghĩa xã hội cho đến nay còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ). Suy nghĩ chủ quan này không nhìn nhận đúng thực tế tình hình thế giới lúc đó là: Lợi ích quốc gia và lợi ích chiến lược toàn cầu cũng như thực lực của từng bên hữu quan giữ vai trò chủ chốt trên bàn cờ thế giới lúc đó. Những bên hữu quan ấy là Mỹ và phe cánh, Trung Quốc và phe cánh, Liên Xô và phe cánh… Chính ba thế lực này mới là các nhân tố chủ yếu chi phối trực tiếp tình hình thế giới thời kỳ này – nhất là tại khu vực nước ta, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội với tính cách là xu thế tất yếu của thời đại như những người cộng sản Việt Nam thời đó tin tưởng[15].

Chính sự lựa chọn nói trên của Đảng có lẽ cắt nghĩa được vì sao ngay sau 30 Tháng Tư 1975 Việt Nam mau chóng rơi vào cái bẫy “Campuchia” do Trung Quốc sắp đặt[16], bị cô lập trên thế giới cả một thập kỷ sau đó, để cho Trung Quốc và Mỹ tha hồ khai thác tình trạng cô lập này và cố “gỡ” lại những gì họ đã mất![17]

Trong khi đó duy ý chí đã khiến cho đường lối phát triển đất nước của Đảng đi vào ngõ cụt, dẫn đến khủng hoảng trầm trọng,[18] chế độ chính trị của đất nước đến gần miệng hố sụp đổ, các vết thương chiến tranh và các vết thương trầm trọng khác trong lòng dân tộc chẳng những không được nỗ lực hàn gắn mà có những mặt còn bị những chính sách sai lầm khoét sâu thêm.

Nói rốt ráo, có thể coi đấy là sự lựa chọn của chủ quan duy ý chí cho chiến thắng và vinh quang của Đảng sau khi đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, mặc dù - và xin nhấn mạnh - sự lựa chọn này dựa trên chủ nghĩa yêu nước với niềm tin sâu sắc của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Tình trạng này gây nên bị động chiến lược nguy hiểm cho đất nước, kéo dài cả một thập kỷ với nhiều hệ quả lâu dài về sau.

Đặt lại vấn đề như thế, riêng về đối nội, liệu có thể nói: Với sự lựa chọn nêu trên, Đảng đã đánh mất cơ hội là người duy nhất lúc ấy có khả năng và uy tín lớn nhất thực hiện sự nghiệp thống nhất dân tộc một cách bền vững và mãi mãi trên nền tảng của dân chủ cho một đất nước đã từng mấy thập kỷ bị nước ngoài xâu xé và xô đẩy vào trạng thái nội chiến đẫm máu. Phải chăng là như vậy?

Xin lưu ý, sau giải phóng miền Nam ngày 30-04-1975, với tư cách là người chiến thắng, quan trọng hơn nữa là với tư cách là lực lượng duy nhất lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam là người có tính chính đáng và có thực lực nhất, thậm chí có nghĩa vụ cao cả và nặng nề nhất, thực hiện sự nghiệp thống nhất dân tộc - chẳng những để vĩnh viễn khép lại quá khứ đau thương của dân tộc mà còn vì tương lai lâu bền của đất nước. Sự nghiệp độc lập thống nhất của quốc gia sẽ là gì nếu chưa hoàn thành sự nghiệp thống nhất dân tộc?

Nắm quyền lãnh đạo, Đảng không thể thoái thác nhiệm vụ lịch sử trọng đại này.

Bởi vì sau khi có độc lập thống nhất quốc gia, sự nghiệp thống nhất dân tộc như thế là bảo đảm vĩnh viễn tính bất khả xâm phạm của non sông đất nước, là nguồn gốc sức mạnh phục hồi đất nước và xây dựng một Việt Nam cường thịnh, hạnh phúc, là làm cho đất nước trở nên mãi mãi bất khả kháng trong tương lai. Thực hiện được sự nghiệp thống nhất dân tộc như thế sẽ có thể là con đường ngắn nhất để Việt Nam mau chóng có đủ lực trở thành một đối tác bình đẳng trong cộng đồng quốc tế hôm nay! Có phải như vậy không?

Trên đây là bàn lại về lịch sử.

Nhìn vào hiện tại, cần nhấn mạnh trong 25 năm đổi mới đã có nhiều chính sách khắc phục những yếu kém vấp phải, và đã tăng cường đáng kể khối đoàn kết thống nhất dân tộc. Kết quả của những chính sách đúng này đã góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, vết thương dân tộc, và tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Chính những thành quả này đã đảo ngược tình thế hiểm nguy của đất nước, phát triển đất nước về nhiều mặt 25 năm qua, khẳng định tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết thống nhất dân tộc. Nếu so tình hình hôm nay với 10 năm đầu sau khi hoàn thành thống nhất đất nước rõ ràng đã đạt được một bước tiến bộ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Điểm lại, cốt lõi của sự chuyển biến quan trọng này là những việc đã làm được trong thực thi dân chủ trên nhiều phương diện. Thực tế đã diễn ra cho thấy: Dân chủ được thực hiện tới đâu, khối đại đoàn kết thống nhất dân tộc trở thành hiện thực đến đấy, chỗ nào là dân chủ hình thức thì chỉ có đại đoàn kết thống nhất dân tộc hình thức – và đây là điều cần rút ra cho tương lai để đi tiếp.

Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhận xét: Con đường phải đi còn rất dài cho việc thực hiện sự thống nhất dân tộc có khả năng tạo ra hào khí mới cho đất nước mà sự nghiệp xây dựng nước đất nước dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh không thể thiếu. Đó là sự thống nhất dân tộc với tính chất là:

(a) làm nền tảng cho quyền làm chủ của nhân dân – nghĩa là nền tảng cho quyền lực của dân,

(b) bảo đảm gìn giữ kỷ cương nhất thiết phải có của thể chế chính trị dân chủ

(c) trở thành cội nguồn sức mạnh của đất nước.

Thống nhất dân tộc với chức năng như thế sẽ không thể là một sự thống nhất “tả-pí-lù”, thống nhất của “bầy đàn” có người chăn dắt. Đấy phải là sự thống nhất của nhân dân, được xây dựng trên sự giác ngộ của nhân dân về quyền và nghĩa vụ của mình, có ý thức cùng hợp nhất lại để tạo ra sức mạnh cho dân tộc, cho quốc gia. Đấy chính là sự thống nhất dựa trên sự giác ngộ sâu sắc của dân về dân chủ.

Tạo ra thống nhất dân tộc trên cơ sở phát huy trí tuệ và quyền năng của nhân dân như thế, tạo ra sự thống nhất dân tộc với ba chức năng cụ thể nêu trên như thế, nhất thiết đòi hỏi phải có sự lãnh đạo để thực hiện, phải giác ngộ từng người dân để thực hiện. Xin nhấn mạnh: Cốt lõi của sự thống nhất dân tộc với nội dung và chức năng như thế chính là dân chủ. Từng người dân giác ngộ quyền và nhiệm vụ của mình đối với đất nước sẽ chỉ giống như “một cây làm chẳng nên non”, nhưng toàn dân thống nhất được như thế về quyền và nhiệm vụ đối với đất nước trên cơ sở giác ngộ về dân chủ, với ý thức hợp nhất lại với nhau, sẽ là tiền đề tất yếu làm cho quyền lực của dân thuộc về dân và được thực hiện, không thế lực nào tước đoạt được.

Sự thống nhất dân tộc như thế sẽ là tiền đề tất yếu của một Việt Nam hưng thịnh, về bên trong thì đủ khả năng trấn áp bất kỳ “nội xâm” nào và có sức phát triển năng động, về bên ngoài thì đủ mạnh để tạo ra được chỗ đứng phải có cho đất nước và để trở nên bất khả kháng đối với bất kỳ thứ “ngoại xâm” nào. Thống nhất dân tộc với chức năng như thế vẫn là cái đích quan trọng phía trước, nhất thiết phải hướng tới.

Đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhấn mạnh:

Cho đến nay Đảng vẫn chưa làm xong nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân hoàn thành sự nghiệp thống nhất dân tộc đúng với tinh thần (a) hàn gắn vết thương quá khứ, (b) thu phục nhân tâm về một mối, (c) thống nhất ý chí vì một Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh và con đường (xin nhấn mạnh: sự thống nhất về con đường) thành đạt mục tiêu này.[19] Chưa có thể nói đã tạo ra được sự thống nhất dân tộc với tinh thần hòa hợp hòa giải, nhằm tạo ra sự đồng thuận lớn nhất làm động lực xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhìn lại càng chưa thể nói Đảng đã mở ra được một trang sử mới cho đất nước trên con đường xây dựng một chế độ chính trị gồm những giá trị khiến người dân cảm nhận được chế độ chính trị ấy của đất nước gắn bó với mình gần như đồng nghĩa với Tổ Quốc. Mọi việc còn đang ở phía trước![20]

Ba mươi lăm năm qua tình trạng thiếu vắng sự thống nhất dân tộc ở tầm cao như thế một mặt đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển của đất nước, mặt khác không tạo ra được sức mạnh cần thiết kiểm soát sự tha hoá của hệ thống chính trị. Tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước ở bước ngoặt hiện nay lại càng đòi hỏi thực hiện thống nhất dân tộc với nội dung và chức năng như vậy. Nhận về mình sứ mệnh lãnh đạo, chẳng lẽ một sự nghiệp thống nhất dân tộc như thế không đáng ghi vào Cương lĩnh của Đảng để toàn Đảng phấn đấu, không đáng để cho Đảng mang hết ý chí, nghị lực và tâm huyết lãnh đạo nhân dân xây dựng?

Xin nói thêm:

Vết thương dân tộc của quá khứ ngày nay phải được hàn gắn không phải chỉ có chuyện Bắc - Nam, mà còn bao gồm tất cả mọi tổn thất, sai lầm và yếu kém khác của đảng cầm quyền, bao gồm hệ quả của biết bao đoạn trường quanh co rất đau lòng của đất nước đã xảy ra vì bất kỳ lý do gì sau khi thống nhất đất nước mà ngày nay không lấy lại được.

Xem xét vết thương quá khứ còn có nghĩa phải xem xét rất nhiều các vết thương khác chia rẽ dân tộc xuất hiện trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước, kể cả những thời kỳ trong lịch sử Việt Nam cận đại từ khi Pháp đô hộ nước ta cho đến nay – bao gồm cả chia rẽ chính trị, chia rẽ các đảng phái, chia rẽ tôn giáo đang để lại nhiều tàn dư tiêu cực… Khép lại vết thương của quá khứ còn đòi hỏi có cái tâm và trí tuệ gạt bỏ mọi tư duy cũ, thành kiến hay định kiến cũ, để trân trọng từng hy sinh, mất mát – dù trong hoàn cảnh nào, máu nào đổ cũng là máu Việt Nam, để bao dung, vị tha với nhau, để cùng động viên nhau vắt óc tìm đường đi lên cho đất nước.

Cho đến hôm nay vẫn chưa xây dựng nên được cho đất nước một chế độ chính trị gắn bó toàn dân tộc gần như đồng nghĩa với Tổ quốc, nguyên do chủ yếu là lãnh đạo Đảng và Nhà nước chưa thiết kế và chưa xây dựng được cho đất nước một thể chế dân chủ đích thực: Người dân là chủ của chính mình và là chủ của đất nước, không có độc quyền yêu nước, nước Việt Nam là của mọi người Việt Nam yêu nước dù chính kiến, tôn giáo, địa vị xã hội hay giai cấp nào, tất cả đều bình đẳng và không phân biệt quá khứ bên này bên kia, giá trị cao nhất – và cũng là lý tưởng cao nhất – để xác định, đánh giá và tôn vinh vị trí của mỗi người là sự cống hiến cho một nước Việt Nam cường thịnh… Nói cách khác, giải phóng xong đất nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ giải phóng đích thực: Mỗi người dân có quyền sống vì mình và vì đất nước, để từ quyền này xây dựng sự đồng thuận tối đa và bất khả xâm phạm của toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc;[21] nghĩa là người dân chưa thực sự có tự do dân chủ, chưa phải là chủ của chế độ chính trị cai quản đất nước. Không có gì quý hơn độc lập tự do cần được hiểu là cho đất nước và cho cả từng công dân của nó. Sự thật là có cái này thì phải có cái kia, mới có được cái kia: Làm sao một nước có thể độc lập tự do mà dân của nó không được độc lập tự do, và ngược lại cũng thế.

Hơn nữa, để hàn gắn vết thương dân tộc, mỗi người còn nên khép lại quá khứ với chính mình - vì một bước tiến mới cho bản thân mình, cho đất nước, và vì một điều tốt đẹp gì đó đáng mong đợi cho mình trong tương lai, để không thỏa mãn ngồi xổm trên vinh quang của quá khứ, hoặc cũng không ủ dột với những vấp váp, và càng không nên để cho quá khứ nuôi dưỡng thù hận riêng mà làm yếu sơn hà xã tắc. Khép lại quá khứ như thế là mỗi người tự mở ra cho chính mình một thế giới mới, trước hết là vì sự tiến bộ và hoài bão chính đáng của chính mình, và cùng nhau đóng góp chung vào sự tiến bộ của đất nước...

Khép lại quá khứ, hướng về tương lai với tinh thần nêu trên là việc nên làm của từng người Việt Nam, để tất cả bắt tay nhau mở ra một trang sử mới cho Tổ quốc, dốc lòng làm rạng rỡ đất nước mình, coi đấy là báo đáp tổ tiên và phấn đấu hết mình cho tương lai của bản thân mình và con cháu.

Thu giang san về một mối thực chất là như vậy. Là nhiệm vụ của lực lượng lãnh đạo đất nước và nhiệm vụ của từng người!

Có gì ngăn cấm mỗi người Việt Nam chúng ta ước mơ sống như vậy và quyết tâm sống như vậy? Suy nghĩ và sống như vậy là không yêu nước? là trái với định hướng xã hội chủ nghĩa? là phi giai cấp? Là ảo tưởng? Hay là nghĩ như vậy mới rõ ai là ai? Không dám suy nghĩ như vậy mới là thấp kém? Nước ta đã khép lại quá khứ với tất cả các nước đã xâm lược ta, để bình thường hóa quan hệ, để hũu nghị và hợp tác; vậy giữa người Việt chúng ta với nhau và trong từng người tại sao không?

Thực tế thiếu vắng sự thống nhất dân tộc ở tầm cao trên nền tảng của dân chủ như vậy khiến cho trong 35 năm qua đã mắc bao nhiêu sai lầm; lãng phí biết bao nhiêu trí tuệ, nhân tài và tiềm năng to lớn của dân tộc; bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội lớn; đã thế còn gây thêm biết bao nhiêu khó khăn và đau thương không đáng có; quá khứ đầy máu và nước mắt của dân tộc vì thế cho đến hôm nay vẫn chưa sao khép lại được; nguy cơ rạn nứt vẫn tiềm tàng. Đấy là chưa nói đến ngay trong nội bộ Đảng vẫn chưa sao loại bỏ được hết sự phân chia vùng, miền, tính công thần, cục bộ địa phương nặng nề... Trong lương tri người dân nặng lòng với đất nước riết róng những câu hỏi rớm máu: Người Việt ta sao không lo chung lưng đấu cật vươn lên và đối mặt với cả thế giới mà cứ lo cào xé, ghen tị, đố kỵ nhau? Việt Nam hôm nay sẽ đứng ở đâu trên thế giới này nếu đã hoàn thành được sự nghiệp thống nhất dân tộc với nội dung và chức năng như thế? Nếu thống nhất dân tộc như thế trở thành một trong những giá trị cao cả nhất của lẽ sống của mỗi người Việt Nam chúng ta!..

Nhiệm vụ thống nhất dân tộc này đến hôm nay chưa thể nói là đã hoàn thành, không phải chỉ vì còn những vấn đề của quá khứ chưa được giải quyết thỏa đáng, mà còn vì các nguyên nhân trong hiện tại:

(a) chưa tạo ra được ý chí thống nhất của toàn dân tộc về con đường phát triển đất nước,

(b) tệ nạn quan liêu tham nhũng đang tích tụ những bất công mới và huỷ hoại ghê gớm mọi nỗ lực cho sự thống nhất này,

(c) đang xảy ra những phân hóa và chia rẽ mới trong nội bộ các tầng lớp nhân dân với nhau và giữa nhân dân với chính quyền.

Trong thực tế cuộc sống vẫn tồn tại không ít quan điểm, chính sách, cách cư xử không dung nạp sự thống nhất dân tộc đáng mong muốn này, khiến cho lời nói và việc làm khác nhau. Trên hết cả, nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu hẳn một thể chế dân chủ thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp và hòa giải dân tộc - nhằm một mặt là khép lại quá khứ, mặt khác là đẩy lùi tham nhũng tiêu cực, tất cả nhằm tạo dựng đồng thuận và khơi dậy sức mạnh cả nước.[22] Chính vì thiếu vắng sự thống nhất dân tộc ở tầm cao như vậy trên nền tảng dân chủ, nên các quyền của dân được ghi trong Hiến pháp không thực hiện được, thiếu vắng sức mạnh cần thiết của nhân dân gìn gữ sự trong sạch của chế độ chính trị, không đủ sức đẩy lùi được sự tha hoá của hệ thống chính trị đang ngày càng tự diễn biến thành bộ máy cai trị.

Tổ quốc chúng ta đang đứng trước những hiểm nguy và thách thức lớn, chẳng lẽ điều này không đáng để mỗi người Việt Nam chúng ta vươn lên đứng ở tầm quốc gia của mình, để suy nghĩ, để tự giác ngộ và giành lấy quyền của chính mình, để phấn đấu và hành động xây dựng sự thống nhất dân tộc trên nền tảng dân chủ như vậy hay sao? Tự nhận lấy vai trò tiền phong chiến đấu, thiết nghĩ người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là công dân đầu tiên trả lời câu hỏi này! Để cho đất nước còn phải chịu nhiều trở lực của tha hoá và tham nhũng trong hệ thống chính trị như hôm nay, có phần còn thiếu sự giác ngộ và phấn đấu nêu trên của từng người dân, từng công dân. Cần thừa nhận là đang tồn tại thực tế này, để mỗi người dân hiểu rõ và chủ động tìm cách thực hiện quyền và trách nhiệm của chính mình, bởi vì quyền lực không biết làm từ thiện.

Đảng cầm quyền muốn xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân mà không dành mọi nỗ lực xây dựng bằng được quyền lực của nhân dân dựa trên nền tảng thống nhất của dân chủ như vậy, nhà nước định xây dựng nên sẽ chỉ còn là khẩu hiệu, trong thực trạng này bản thân đảng cầm quyền cũng tự tha hoá dần thành đảng cai trị.

Về trường hợp chữ “nếu” thứ hai:

Trước khi trình bày, xin nhắc lại một điểm: Tinh thần độc lập tự chủ và ý chí đặt lợi ích quốc gia trên hết là một trong những yếu tố quyết định của Đảng lãnh đạo làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Rồi đây lịch sử có lẽ sẽ công bố cho mọi người biết cuộc kháng chiến này đã phải vượt qua những tác động gay go hay kiềm chế từ bên ngoài như thế nào, lúc thì sợ kháng chiến của ta loang thành chiến tranh lớn, lúc thì cần Viêt Nam ta đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng, lúc thì muốn ta hòa hoãn, với lý do chổi ngắn không quét được rác xa, thống nhất đất nước (Việt Nam) là sự nghiệp hàng trăm năm!.. Những sự can thiệp như thế diễn ra trong tình hình cuộc kháng chiến của ta phải dựa vào nguồn chi viện rất lớn của các nước bạn! Có lúc ta đã phải nói thẳng với bạn: Không giúp, người Việt Nam chúng tôi cũng chiến đấu chống Mỹ xâm lược đến cùng!

Câu hỏi đặt ra là: Tinh thần, ý chí độc lập tự chủ và Tổ quốc trên hết ấy của Đảng trước tình hình sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cuối thập kỷ 1980 như thế nào?

Thay vì khôi phục quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia trên hết, lãnh đạo Đảng lúc ấy đã lựa chọn liên minh ý thức hệ với Trung Quốc. Thậm chí lúc ấy hy vọng có thể cùng với Trung Quốc xây dựng liên minh còn lại cuối cùng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, bảo vệ chủ nghĩa xã hội!

Quá trình đi tìm liên minh này mở đầu từ hội nghị Thành Đô năm 1990, trong bổi cảnh Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979 và tiếp tục kéo dài xung đột vũ trang lấn chiếm biên gới nước ta đến năm 1989, trong thế yếu của ta trước sức ép mọi mặt của Trung Quốc. Kết quả là chỉ được Trung Quốc công nhận là đồng minh, chứ không phải là đồng chí – trước hết vì chính Trung Quốc cũng không muốn giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội trước thế giới, sau nữa Trung Quốc chỉ muốn coi ta là một đối tác có nhiều khác biệt với Trung Quốc. Xem những gì được viết trong các sách báo chính thống của Trung Quốc ngày nay, còn phải kết luận: Trong thâm tâm những người lãnh đạo Trung Quốc từ đó đến nay đặt nước ta ở vị trí thấp hơn nữa trong chính sách đối ngoại của họ.

Hồi ấy trong lãnh đạo Đảng có những ý kiến không tán thành quyết sách đi tìm liên minh kiểu như thế này, nhưng đã bị gạt đi.[23]

Rất nên đặt ra câu hỏi: Phải chăng sự lựa chọn như vậy của lãnh đạo Đảng nói lên sự hoang mang dao động trước bước ngoặt lịch sử của thế giới: Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu!?

Nếu là như vậy, phải chăng thực chất và trước tiên sự lựa chọn này hầu như chỉ nhằm bảo vệ quyền lực và chế độ chính trị của Đảng, nhân danh bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong nước, nhân danh bảo vệ trào lưu và con đường của chủ nghĩa xã hội trên thế giới?

Trong các thời kỳ cách mạng trước, quan điểm độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội được gắn kết với lợi ích quốc gia, với chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm ý thức hệ của Đảng. Nhưng bước vào thời kỳ này trở đi, với cách đi tìm liên minh như vậy, phải chăng quan điểm này ngày càng được nhấn mạnh, trở thành tiêu chí và kim chỉ nam cho mọi đường lối chính sách và hành động của Đảng trong đối nội cũng như đối ngoại – nhưng lại với mục đích tối thượng là bảo vệ chế độ chính trị của Đảng; lợi ích quốc gia bị đánh đồng với mục đích tối thượng này và trên thực tế tụt xuống vị trí thứ hai?

Đặt ưu tiên như vậy, phải chăng có nghĩa quyền lợi quốc gia chỉ được thực hiện trong phạm vi không thách thức quyền lực của Đảng?

Cứ giả định rằng bảo vệ chế độ chính trị trong tình hình các nước LXĐÂ sụp đổ như vậy cũng hoàn toàn xuất phát từ lập trường bảo vệ lợi ích quốc gia, nghĩa là không mảy may có vấn đề đặt lợi ích quốc gia xuống hạng hai, thì chí ít cũng phải kết luận: Ý thức hệ và tầm nhìn lúc ấy đã ngăn cản lãnh đạo Đảng đi tới một nhận định khác có lẽ đúng hơn, cần rút ra để lựa chọn quyết định tối ưu nhất cho đất nước: Việt Nam trong tình hình này cần đứng lên giữa thế giới với tính cách là một quốc gia - với tất cả tinh thần độc lập tự chủ, hòa bình và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, tự tìm ra con đường phát triển cho nước mình, không cần đi theo ai hoặc dựa vào ai! Nếu chọn con đường như vậy, ai sẽ làm gì được ta? Hay là: Nếu chọn con đường như vậy, nước ta sẽ bước lên một vị thế mới chưa từng có, sẽ là phương thức duy nhất hữu hiệu gìn gữ được quan hệ hợp tác hữu nghị đời đời với Trung Quốc trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình mà chính Trung Quốc đề xướng[24]?.. Chọn con đường như vậy, cả dân tộc ta sẽ vùng đứng lên như thế nào cho một Việt Nam mới?!..

Đương nhiên, nói gì bây giờ cũng chỉ là nói hậu. Nhưng xin nhấn mạnh: Lịch sử không làm lại được, nhưng bài học thì phải rút ra. Rất đáng nghĩ lại lắm! Vì cuộc sống của nước ta phía trước đang rất cần một Việt Nam hiểu biết sâu sắc thế giới và có bản lĩnh như thế! Chọn con đường như vậy, có lẽ không có một sức ép hay sự ngăn cản nào từ bên ngoài nước ta không thể vượt qua được. Nhưng nếu chọn con đường như vậy, chắc chắn Đảng phải vượt qua trở ngại lớn nhất của chính mình: Phải thực hiện dân chủ!

Cần nói thêm, vào thời điểm này:

· Mỹ bận tâm với các mối quan hệ chiến lược toàn cầu ở Trung Đông và Đông Âu (khi các nước xã hội chủ nghĩa ở đây khủng hoảng và đi vào quá trình sụp đổ).
· Trung Quốc sau khi thất bại trong chiến tranh biên giới đánh Việt Nam đang chưa ra khỏi chấn động của sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chiến tranh biên giới Việt-Trung đi dần vào thời kỳ kết thúc hẳn.
· Trên mặt trận phía Tây Nam vấn đề Khmer đỏ ở Campuchia cơ bản đã giải quyết xong: Ta đã hoàn thành tốt nghĩa vụ cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do bè lũ Pol Pot gây ra. Ngoại trừ Trung Quốc bảo vệ Khmer đỏ nên ngoan cố đòi “giải pháp đỏ cho vấn đề Campuchia”[25], toàn thế giới còn lại – trước hết là các cường quốc phương Tây có liên quan - đều lên án Khmer đỏ, những điều kiện cho giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia đã hội đủ và chín muồi, đồng thời qua việc giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia như vậy sẽ mở ra cho ta nhiều thuận lợi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Nghĩa là tình hình lúc ấy không thể hay rất khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh ngoại xâm mới bất kỳ từ đâu tới chống lại Việt Nam. Trung Quốc lúc này chỉ có thể tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới chống ta đang tàn lụi dần, chứ không thể mở rộng thêm hay tiến hành một cuộc chiến tranh mới chống ta; chính bản thân Trung Quốc lúc này cũng lúng túng vì có nhiều chuyện khác phải lo – nhất là lo ảnh hưởng của Liên Xô sụp đổ tác động vào nội tại Trung Quốc và các dư chấn sâu sắc khác. Còn về phía nước ta, sau những thành công đầu tiên của đổi mới (được tiến hành từ Đại hội VI, 1986) kinh tế bắt đầu khởi sắc, kể từ 1987-1988 trở đi chế độ chính trị nước ta đã được củng cố vững chắc, hầu như lúc ấy không có một sự uy hiếp đáng kể nào từ bên trong.

Nghĩa là vào thời điểm các nước Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tình hình nội trị bên trong của nước ta cũng như bối cảnh quốc tế bên ngoài lúc ấy không nhất thiết buộc lãnh đạo Đảng phải đi tìm liên minh ý thức hệ bằng cách thỏa hiệp với Trung Quốc, với kết cục từ đấy trở đi chính sách o ép, lũng đoạn Việt Nam của Trung Quốc cho đến hôm nay ngày càng leo thang, cái giá phải trả là tình hình hôm nay! Có phải như vậy không? Trong khi đó các bài học khác cho ta về Trung Quốc ở Hội nghị Geneva 1954, về cuộc gặp Mỹ-Trung ở Thượng Hải 1972, về hải quân Trung Quốc tấn công đẫm máu chiếm Hoàng Sa 1974 và chiếm thêm một số đảo nữa ở Trường Sa 1988… còn nóng bỏng! Hay là ấn tượng của chiến tranh Campuchia và chiến tranh “dạy cho Việt Nam bài học” tháng 2-1979 quá sâu sắc?

Phải chăng đặt ra những câu hỏi như vậy sẽ thấy rõ được nhiều điều cay đắng!?[26]

Sau khi kháng chiến chống Mỹ xâm lược kết thúc, sự việc diễn ra là:

(1) đất nước rất sớm rơi vào cái bẫy của “vấn đề Campuchia”,

(2) để cho Trung Quốc trở thành thế lực đối kháng thù địch đến mức ghi vào Hiến pháp, rồi sau đó lại phải tìm đường liên minh ý thức hệ với Trung quốc ở hội nghị Thành Đô năm 1990, với kết quả hôm nay không đúng như mong đợi,

(3) kháng chiến kết thúc 20 năm mới bình thường hóa được quan hệ với Mỹ (1994-95),

(4) sau kháng chiến 35 năm vị thế quốc tế của Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với thế giới bên ngoài không đáp ứng thỏa đáng đòi hỏi của xây dựng và bảo vệ tổ quốc –

Bốn điểm nổi bật này nói lên sự lạc lõng của nước ta trong bối cảnh hậu chiến, được sách báo nước ngoài, kể cả ở Trung Quốc, từ niều năm nay tổng hợp lại và phân tích khá sâu sắc, đương nhiên mỗi bên hữu quan ra sức khai thác theo những cách khác nhau cho lợi ích riêng của mình[27].

Ngày nay khoảng cách thời gian đã đủ để đánh giá bốn điểm này là những thất bại nghiêm trọng của nền ngoại giao Việt Nam mang nặng tính ý thức hệ trong thời bình, vì nó (a) không đủ sức tránh cho quốc gia những đòn hiểm độc của bên ngoài, (b) không tạo ra được bối cảnh bên ngoài thuận lợi cho quốc gia sau khi vừa mới bước ra khỏi chiến tranh tàn khốc kéo dài[28]! Đường lối đối ngoại như thế vẫn còn nhiều dấu ấn nặng nề trong hiện tại, nhất thiết phải được thay đổi, dựa trên thay đổi nhìn nhận về thế giới, và trước hết là phải dựa trên thay đổi đường lối đối nội và phát triển đất nước. Bởi vì ngoại giao nào cũng phải xuất phát từ đối nội.

Thực tế nêu trên càng khẳng định cần thấm nhuần bài học của cha ông ta: Phải có đủ trí tuệ và bản lĩnh để trải chiếu hoa mời giặc về sau khi đánh bại chúng, và trong hòa bình phải xác lập ý chí thực hiện nền ngoại giao dấn thân đi với cả thiên hạ - vì mình, mình vì người, và từ đó tạo ra tình thế mọi người vì mình[29].

Rõ ràng là phải mất bao nhiêu hy sinh xương máu và thời gian trong các cuộc kháng chiến mới hoàn thành được giải phóng và thống nhất đất nước, rồi lại phải chờ đến lúc xảy ra biến cố lịch sử rất quan trọng của thế giới là sự kết thúc chiến tranh lạnh, rồi còn phải nhờ cả hai điều quan trọng này hội tụ với nhau về thời gian nên mới tạo ra được cho nước ta hai cơ hội lớn: (a) cơ hội thực hiện sự thống nhất dân tộc ở tầm cao của trí tuệ và ý chí dựa trên dân chủ, (b) cơ hội bức phá đứng lên là một quốc gia độc lập tự chủ đi với cả thế giới . Nhưng rút cuộc cả hai cơ hội lớn này không được tận dụng! Hơn nữa, sau đó đất nước bị đẩy vào một chặng đường không mong đợi, lận đận mất mấy thập kỷ về nhiều mặt cho đến hôm nay. Ngoài ra trong suốt 35 năm thời bình đầu tiên còn biết bao nhiêu cơ hội và lợi thế khác của đất nước không khai thác được:

· vị thế “cầu nối” của Việt Nam trong địa kinh tế, trong địa chính trị của khu vực và trên thế giới,
· vai trò của Việt Nam trong ASEAN,
· vai trò của Việt Nam 2 năm là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,
· vân... vân...

Trong 35 năm qua nước ta có không ít nỗ lực và sáng kiến ngoại giao, nhưng đường lối đối ngoại và thực lực nội trị như vậy khiến cho kết quả đạt được còn xa mong đợi, nhiều sáng kiến thiếu sức sống, chưa kể là có không ít những bước đi trống đánh xuôi kèn thổi ngược (ngoại giao đi một đằng, nội trị đi một nẻo).
Nếu kết luận được là đã bỏ lỡ mất 2 cơ hội lớn như vừa trình bày trên (*thực hiện sự thống dân tộc ở tầm cao, *trở thành một nước độc lập tự chủ đi với cả thế giới), sẽ có thể kết luận tiếp là nước ta hiện nay vẫn đang còn hội đủ điều kiện đẩy mạnh việc hoàn thiện sự nghiệp thống nhất dân tộc ở tầm cao của ý chí và trí tuệ trên nền tảng dân chủ, và đủ điều kiên dấn thân độc lập tự chủ hợp tác với cả thế giới để đi vào giai đoạn phát triển mới, để sớm trở thành một nước phát triển và giành lấy vị thế quốc tế xứng đáng với nước ta. Đương nhiên việc chậm trễ mất hai, ba thập kỷ như vậy gây ra những khó khăn mới nhất định và phải trả giá, nhưng điều quan trọng là vẫn còn điều kiện tìm cách nắm lại 2 cơ hội lớn này. Cần nói ngay: Tình hình và nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho nước ta đang đòi hỏi phải khẩn trương dốc toàn lực và trí tuệ chuyển sang giai đoạn phát triển mới này, những bài học như vậy rút ra từ lịch sử còn nguyên giá trị.
Nói riêng về Đảng, để mất hai cơ hội lớn như vừa nêu trên còn là hậu quả của bảo thủ trì trệ, của sự thiếu vắng phát huy trí tuệ trong Đảng, tình trạng mất dân chủ trong Đảng. Tính tiền phong chiến đấu của lãnh đạo và của từng đảng viên sa sút cũng góp phần quan trọng gây ra tình trạng này. Vì vậy, toàn Đảng phải chịu trách nhiệm trước đất nước. Phải nhấn mạnh điều này, vì đây là kinh nghiệm xương máu cho lãnh đạo và cho toàn thể đảng viên đối với sự nghiệp của Đảng và của đất nước từ nay về sau. Cần nhấn mạnh: Để cho Đảng có nhiều vấp váp lớn, đất nước có nhiều vấn đề nghiêm trọng như ngày nay, không một đảng viên nào được phép đứng ngoài phủi tay, rồi nói là mình vô can!
Xin nêu thêm một chữ “nếu” lớn khác thứ ba không kém phần quan trọng:
Nếu đem vấn đề cải tạo tư sản hôm qua, nhất là đợt cải tạo tư sản ở miền Nam sau 30 Tháng Tư, đặt bên cạnh những việc đã làm trong 25 năm đổi mới để suy nghĩ... Nếu đem thực trạng của “giai cấp tư sản” bị cải tạo lúc đó ở miền Nam ra so sánh với tình hình phân bổ - tích tụ của cải, và tình hình các hình thái và quy mô các doanh nghiệp các thành phần kinh tế, các loại hình tích tụ sở hữu, các hình thái kinh tế đang có trong nền kinh tế nước ta hôm nay... Nếu làm như vậy, sẽ không tránh được phải tự hỏi: Phải chăng với cuộc cải tạo tư sản ở phía Nam, sau những năm đổi mới kinh tế đất nước đã đi trọn một vòng tròn để trở lại đúng điểm xuất phát, và giờ đây đất nước đang tìm cách xuất phát / cất cánh từ điểm đã xuất phát ấy cách đây 35 năm? Phải chăng cải tạo tư sản như thế hiển nhiên là thừa và sai, với biết bao nhiêu hệ lụy đến hôm nay chưa khắc phục xong? Tệ hại hơn nữa là cải tạo tư sản ở miền Nam đã bỏ qua tất cả những sai lầm đã vấp phải khi tiến hành cải tạo công thương ở miền Bắc…[30]
Song quan trọng hơn thế, cho đến hôm nay đường lối phát triển kinh tế của Đảng vẫn chưa tự giác và chưa giải quyết thành công vấn đề sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân trong kinh tế, mối quan hệ tối ưu giữa hai thành phần kinh tế này cần tạo ra cho quốc gia (chứ không phải cho cái nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa). Hiện nay Đảng vẫn nhấn mạnh kinh tế quốc doanh là chủ đạo với nội dung không rõ ràng, luật pháp và thể chế cho quốc doanh còn nhiều sơ hở. Đảng vẫn giải thích đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là dựa trên công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu…
Trên thực tế là: Nhân danh độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và nhân danh kinh tế quốc doanh là chủ đạo với nội dung nêu trên, quyền lực trong Đảng đang tiếp tục duy trì những phân biệt đối xử giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân, với kết quả là tình trạng độc quyền của khu vực kinh tế quốc doanh – nhất là của các tập đoàn nhà nước – vẫn tiếp tục gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp; vốn liếng thuộc sở nhà nước, đất đai và tài nguyên bị thất thoát lớn; môi trường kinh tế bị bóp méo, môi trường tự nhiên bị hủy hoại trầm trọng. Tất cả cái nhân danh này muốn nhằm vào mục đích cuối cùng là bảo vệ vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng, nhưng kết quả cuối cùng đạt được lại là: Chính bản thân Đảng đang bị quyền lực kinh tế này lũng đoạn, sẽ còn tiếp tục bị lũng đoạn! Đây là mối nguy hàng ngày và trực tiếp đối với Đảng.
Nước ta đang đứng trước thực tế: So sánh tổng cái thu về với tổng cái vốn bỏ ra (kể cả những cái “mất”) cho kinh tế quốc doanh với cái vai trò chủ đạo Đảng biệt đãi nó, ta sẽ chỉ thu được một hiệu số âm. Tình trạng này đang bị căn bệnh nan y làm trầm trọng thêm, đó là sự câu kết tự nhiên giữa “tập đoàn kinh tế quốc doanh + nền kinh tế GDP tỉnh + tư tưởng nhiệm kỳ”. Bộ ba này được thiết kế với mục đích làm cấu trúc nền tảng cho duy trì quyền lực của Đảng. Nhưng bản chất tự nhiên của từng yếu tố này tự nó lại tạo ra sự liên kết 3 trong 11 trong 3 , cái này có trong cái kia; thậm chí tự nó phát triển theo hướng cái này tạo ra cái kia, cái này muốn tồn tại phải dựa vào cái kia… Kết cục cấu trúc này tạo ra sự câu kết giữa cả 3 yếu tố với nhau. Chính câu kết bộ 3 này tự nó tạo ra - thực chất là tự nó tha hoá thành một thứ quyền lực trong Đảng, ngày càng vượt ra ngoài sự kiểm soát của Đảng. Đó cũng là cấu trúc điển hình của câu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, trở nên bất khả kháng, thậm chí đang ngày càng ngấm ngầm đối kháng đối với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.
Câu kết giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị luôn xảy ra trong bất kỳ hình thái xã hội nào ở bất kỳ quốc gia nào, bắt buộc đặt ra cho nhà nước pháp quyền nhiệm vụ phải kiểm soát và tìm cách vô hiệu hóa sự câu kết này. Ở nước ta sự câu kết của bộ 3 nêu trên, đang vận động theo xu hướng tự nó trở thành một thứ quyền lực riêng cho chính nó, đang tìm cách lũng đoạn Đảng và toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước. Thực tế này thể hiện rõ nhất qua sự hình thành các nhóm lợi ích, không hình không bóng, hoặc đôi khi rất ngang nhiên dưới những “chính danh” nào đó[31] đang chi phối đất nước… Thực tế này là nguồn gốc hình thành những quyết sách và quyết định kinh tế mà lẽ phải không sao giải thích nổi, quan liêu và tham nhũng trở thành quốc nạn ngày càng khó kiểm soát. Không thể không đặt ra câu hỏi vai trò các nhóm lợi ích này tác động tới đâu trong việc hình thành những quyết định về bauxite Tây Nguyên, sáp nhập Hà Tây vào Thủ đô, phá nhà Quốc Hội Ba Đình, việc Trung Quốc lần lượt thắng thầu liên tiếp nhiều công trình kinh tế lớn quan trọng tầm quốc gia, vân vân…
Hiện nay dư luận cả nước đang nhức nhối việc từ mấy năm nay 10 tỉnh cho nước ngoài – chủ yếu là Trung Quốc – thuê rừng, đến nay đã lên tới khoảng trên 30 vạn hecta – trong đó có nhiều địa điểm xung yếu của quốc gia (dù mới chỉ thực hiện được một phần)… Hiện tượng này cho thấy các nhóm lợi ích đang từng bước làm tê liệt và làm mục ruỗng chế độ chính trị của đất nước, xâm hại nghiêm trọng an ninh và lợi ích quốc gia. Vấn đề cho thuê rừng còn trở nên rất nghiêm trọng ở chỗ việc làm này chưa được nhìn nhận là một tội lỗi không thể tha thứ của “sự câu kết bộ 3” này: bán rẻ lợi ích và an ninh quốc gia mà không ý thức được hoặc cố tình không ý thức được là bán rẻ[32]. Nói theo ngôn ngữ của Marx và Engels: Sự câu kết “bộ 3” này đang từng giờ, từng ngày vô hiệu hoá Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng, cản trở thực thi luật pháp của nhà nước, đang trực tiếp gây ra cho Đảng những thách thức hiểm nghèo không một lực lượng chống đối nào có thể làm được! Đó cũng là những thách thức nguy hiểm cho đất nước.
Xin lưu ý, sở hữu nhà nước nói chung và đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước đang là vấn đề tồn tại lớn chưa có lời giải. Hiệu quả kinh tế thấp và khả năng lũng đọan lớn là hai tác động chính kìm hãm sự phát triển mọi mặt của đất nước.
Đại hội XI đứng trước thực tế: Nhìn chung mức thành tựu nước ta đạt được là cao nếu so ta hôm nay với ta hôm qua, song lại là rất thấp so với cái giá phải trả và so với nhiều nước chung quanh. Ta có rất nhiều công trình kinh tế lớn giá xây dựng đắt (có khi đắt gấp đôi, gấp ba), công nghệ thấp, không bền, không đẹp bằng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, tuổi thọ kém... Cuối năm 2008 dự trữ ngoại tệ của nước ta ước khoảng 23 tỷ USD, cuối 2009 còn khoảng 15 tỷ USD (thấp nhất kể từ 1994 tính theo khối lượng nhập khẩu/tháng và hiện nay có chiều hướng còn giảm nữa – theo đánh giá của Fitch), trong vòng 3 tháng (từ 11-2009 đến 1-2010) đồng tiền Việt Nam phá giá hai đợt tổng cộng là -8,4%, thâm hụt ngân sách quốc gia hiện vượt quá mức Luật cho phép, lãi suất tín dụng cao ngất ngưởng chưa từng có trong 25 năm đổi mới vì mối lo lạm phát cao... Chỉ số ICOR nước ta những năm gần đây đã vượt con số 6, cao nhất trong khu châu Á – Thái Bình Dương và ngày càng cao, kinh tế quốc doanh chiếm tới 2/3 vốn liếng toàn xã hội và được dành cho nhiều đặc quyền lớn nhưng chỉ làm ra non nửa của cải cho xã hội, những vụ việc tiêu cực ngày càng khó kiểm soát, quyền lực và ảnh hưởng chi phối của các tập đoàn quốc doanh ngày càng lớn. Đời sống kinh tế văn hóa của một bộ phận đông đảo dân cư lao động còn thấp và bấp bênh, nhu cầu về việc làm gay gắt; đời sống và tiền đồ của thanh niên có nhiều vấn đề rất đáng lo; bất công trong xã hội còn nhiều, v.v. Ngay trước mắt, triển vọng tình hình cho thấy sau 45 năm (1975-2020) xây dựng đất nước trong hòa bình, có lẽ hầu như không thể hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020.[33]
Quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo đang ngăn cản những cải cách rất cần thiết đối với chính bản thân kinh tế quốc doanh. Hơn nữa, bản thân vấn đề cải cách khu vực kinh tế quốc doanh và vấn đề sở hữu nhà nước là việc khó, đến nay chưa được nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra giải pháp nào là tối ưu nhất cho nước ta với tính cách là một quốc gia có xuất phát điểm rất thấp và rất cần vận dụng hợp lý các hình thái tích tụ vốn khác nhau mà nền kinh tế hiện có. Tình hình phức tạp đến mức các Đại hội Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định kinh tế quốc doanh là chủ đạo, song chưa làm sao đưa ra được một định nghĩa nhất quán thế nào “chủ đạo”. Hiện nay định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh một cách khiên cưỡng ở chỗ nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu![34] Chủ trương phát huy tất cả các thành phần kinh tế trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật vì thế không thực hiện được như đã ghi trong các nghị quyết của Đảng.
Vân vân…
Nhìn vào mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước hiện nay, cũng thấy việc thực hiện các quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội… có nhiều hiện tượng mang nội dung nhân danh như vậy. Tình trạng này đang ngày càng trầm trọng thêm do hiện tượng “đảng hóa” toàn bộ hệ thống chính trị, nhà nước và xã hội cũng như việc thiết kế các chính sách và phương thức thực hiện.
Tóm lại, thời kỳ ban đầu chỉ có những hạn chế của ý thức hệ gây ra những khó khăn và sai lầm của Đảng. Song càng về sau, nhất là trong những năm gần đây, những hạn chế về tư duy, về tầm nhìn, cùng với sự tha hóa ngày càng gia tăng, đã làm cho những yếu kém và sai lầm này ngày càng trở nên trầm trọng hơn, nhất là trong khi đó tình hình mọi mặt của đất nước ngày càng đề ra những đòi hỏi khó khăn phức tạp hơn trước rất nhiều.
Điều đặc biệt nguy hiểm là quá trình “đảng hóa” đang được coi là phương thức lãnh đạo toàn diện và tối ưu, song kết quả đạt được lại là cản trở nghiêm trọng việc xây dựng nhà nước pháp quyền, làm cho cả Đảng và hệ thống chính trị ngày càng cồng kềnh, yếu kém, ngày càng bất cập và quan liêu hơn, cũng có nghĩa là sự quan liêu ăn bám của toàn bộ hệ thống chính trị đang gia tăng (sẽ bàn sâu thêm ở phần sau);[35] đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, đời sống văn hóa - xã hội xuống cấp. Mong rằng rồi đây sẽ có những công trình nghiên cứu đánh giá khách quan và chuẩn xác đoạn đường 35 năm đầu tiên nước ta đã trải qua sau khi giành được độc lập thống nhất.
Nói thêm về văn hóa: Nếu nhìn nhận văn hóa là nguồn lực gìn giữ những giá trị truyền thống, tạo ra những giá trị mới để làm nên tố chất và đạo đức con người và đúc kết thành bản lĩnh của một dân tộc, nếu nhìn nhận văn hóa được kết tinh thành ý chí tự lực tự cường của một dân tộc dám vươn lên sánh vai với thiên hạ.., có lẽ có thể nói văn hóa nước ta hiện đang ở thời kỳ sa sút nhất kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay – thậm chí có những mặt sa đọa đến thảm hại.
Chỉ cần lướt qua các tội ác hình sự, các đổ vỡ và biết bao nhiêu bê bối, tệ hại khác được đăng tải trên các trang báo giấy và báo mạng hàng ngày, nạn “đạo văn” và bằng giả, hội hè liên miên mọi miền đất nước, đọc các thông tin bị cắt xén, các tin tức có định hướng một cách sai lệch, các bài chính luận vô hồn... cũng đủ thấy đau buồn về đời sống văn hóa – xã hội của đất nước. Đời sống văn hóa – xã hội của giới trẻ nước ta càng nhiều vấn đề nan giải. Bên cạnh một số thành tựu nhất định đạt được trong lĩnh vực văn hóa – xã hội 25 năm qua (đáng nói nhất có lẽ là việc giảm tỷ lệ đói nghèo), nhìn chung sự sa sút văn hóa là một hiện tượng trầm trọng, trước hết do hai nguyên nhân chủ yếu gây ra: (a) Sự băng hoại kỷ cương quốc gia từ thượng tầng kiến trúc, (b) nghèo đói và mọi tha hóa khác đến từ tình trạng bất bình đẳng và bất công trong kinh tế.
Nếu coi suy đồi về văn hoá là tấm gương phản chiếu suy vong của đất nước, có lẽ sẽ còn đau lòng hơn nhiều!
Tình trạng sa sút về văn hóa nguy hiểm tới mức dối trá trong không ít trường hợp gần như vừa là phương tiện vừa là cứu cánh trong hành xử của con người cũng như của những bộ phận dân cư nhất định trong xã hội. Có lẽ nên coi đây là yếu kém trầm trọng nhất trong đời sống văn hóa – xã hội nước ta, là yếu kém gốc đẻ ra mọi tha hóa trong xã hội, bởi vì nó đảo lộn hoặc vô hiệu hóa nhiều giá trị, luật pháp, thước đo và chuẩn mực. Sự sa sút về văn hoá đang gây ra nhiều tác động có tính tàn phá, để lại hệ quả lâu dài, thậm chí nó có thể đánh cắp hoặc hủy hoại niềm tin. Có thể thấy rõ sự tàn phá này trong lĩnh vực giáo dục, trong thực thi pháp luật, trong phẩm chất và tính chất tin cậy được của con người cũng như bộ máy của hệ thống chính trị đất nước, vân vân...
Nhiều hiện tượng tiêu cực phổ biến gần như trở thành một loại văn hóa sống của không ít người trong hàng ngũ chức sắc đã tới mức gây nhức nhối trầm trọng trong xã hội, có thể khái quát như sau:
  • Cơ hội tranh thủ vơ vét
  • Tài nguyên tranh thủ khai thác
  • Đất đai tranh thủ chia chác
  • Thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp (chất lượng thấp, giả và rởm)
  • Việc khó đùn cho tương lai hoặc cho người khác
  • Giả vờ đạo đức và giả vờ yêu nước...
Vì sa sút văn hóa nói chung, nên chất lượng con người, chất lượng cuộc sống, chất lượng xã hội – suy rộng ra nữa là chất lượng của dân tộc – đang đặt ra nhiều vấn đề mới nghiêm trọng, trí tuệ và nhuệ khí của dân tộc đang bị kìm hãm, mê tín dị đoan phát triển.
Trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta, tiêu cực và các mặt xuống cấp đang tạo ra một sức ỳ nguy hiểm, tổng hợp nhiều tính xã hội sâu sắc: thờ ơ, thất vọng, trần tục... Sức ỳ này hủy hoại vốn xã hội, nuôi dưỡng tâm lý thờ ơ hay chịu khuất phục trước mọi sai trái, tạo thuận lợi cho lối sống tạm bợ, chụp giựt (vô luật pháp) hay ngu dân… Trong cuộc sống, ngày càng nhiều tội ác hình sự rùng rợn chưa từng có, các tội ác kinh tế gây nhiều thiệt hại lớn, các hiện tượng không nghiêm minh trong luật pháp ngày càng trầm trọng… Song điều vô cùng đáng lo là sự phản ứng trong xã hội vô cùng yếu ớt, hoặc thậm chí nhiều khi trở nên vô cảm. Đó là cách phản ứng của xã hội? Hay là tình trạng mất dân chủ, tình trạng bất minh, bưng bít thông tin và những sai trái khác của hệ thống chính trị nhân danh là “giữ lề phải”, giữ vững “định hướng” đã làm tê liệt mọi phản ứng lành mạnh lẽ ra cần phải có của xã hội để hậu thuẫn cho kỷ cương quốc gia và thực thi pháp luật? Đảng cầm quyền rất cần lo lắng thực trạng này, bởi vì nó phản ánh lòng dân không yên. Bên cạnh hiện tượng tham nhũng tiêu cực trong hệ thống chính trị, sức ỳ này trên thực tế là tăng thêm mất ổn định xã hội, tác động nghiêm trọng vào sức đề kháng của dân tộc, cản trở ý chí dân tộc phải vươn lên trên con đường hiện đại hóa đất nước.
Xin đừng quên, sự đổ vỡ của các triều đại hiển hách trong lịch sử nước ta thường bắt đầu từ tha hoá, sa đoạ về văn hoá và đạo đức. Điển hình gần đây nhất là sự đổ vỡ thời Lê mạt, dẫn đến Trịnh – Nguyễn phân tranh và nhiều hệ quả lâu dài về sau.[36] Giữ ổn định xã hội nhân danh “giữ lề phải” như đang làm, muốn hay không là đang trực tiếp hay gián tiếp nuôi dưỡng tha hoá về văn hoá và đạo đức, kìm hãm ý chí xả thân vì những giá trị cao đẹp, đồng thời làm tê liệt khả năng đề kháng của dân tộc chống lại xâm lăng văn hoá đang diễn ra không ít quyết liệt!
Như một lẽ tự nhiên của phát triển, cuộc sống mọi mặt của đất nước ở thời kỳ ban đầu này không thể tránh được những hiện tượng thực chất là thuộc về thời kỳ phát triển hoang dã của giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, nhất là hiện tượng bất công xã hội và phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt. Song lẽ ra cần nhìn nhận nghiêm túc thực tế này để tìm ra đối sách xử lý, thì lại đơn thuần đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Thậm chí thực tế này bị xuyên tạc, che đậy, lạm dụng, thỏa hiệp, ru ngủ… Thêm vào đó là tình trạng bưng bít thông tin và sự thiếu công khai minh bạch là thủ phạm chính của tình trạng dân trí thấp, khiến cho sự xuống cấp về văn hóa trầm trọng thêm. Mặt khác lại duy ý chí nhận định nước ta đang phát triển, đang xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hoặc cho phép thực hiện nhiều hoạt động văn hóa thực chất là giả tạo, hình thức, không mang tính thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Thậm chí không hiếm những hoạt động văn hóa trên thực tế là khuyến khích, nuôi dưỡng cái lạc hậu, cái ngoại lai, cái ngu dân: văn hoá phong bì, văn hoá “quan hệ”, văn hoá hàng mã (của giả, cái giả), văn hoá lễ hội, văn hoá hội thi hội thảo, văn hoá “cái loa”, văn hoá “chăn dắt”… Có thể nói, không tiền bạc, của cải, công sức nào đổ ra cho những chủ trương hay hoạt động văn hoá lạc hậu, hình thức, giả dối… như thế có thể làm nên cái tốt, cái đẹp và sự vững chãi của đất nước, mà chỉ nuôi dưỡng cái xấu, cái ác và chuẩn bị thêm cho thảm hoạ mới mà thôi. Trong khi đó hầu như hiếm có một nỗ lực văn hoá nào đem lại hiệu quả mong muốn, ngõ hầu cổ suý hay làm chỗ dựa tinh thần cho những giá trị một quốc gia như nước ta nhất thiết phải hun đúc – ví dụ như ý chí và đạo đức không gì quý hơn độc lập tự do của từng người dân và của cả quốc gia, pháp luật là tối thượng, sống và làm việc theo pháp luật, sự thật và lẽ phải là trên hết, tôn vinh trí tuệ, ý chí bảo vệ nền kinh tế quốc gia, ý thức và đạo đức sống vì tương lai của đất nước và các thế hệ con cháu, vân vân… Song làm sao có được những nỗ lực này nếu thiếu dân chủ và bưng bít thông tin? Và trên hết cả là thượng bất chính hạ tắc loạn, trong tình hình như thế làm sao có được sự thôi thúc tạo ra những nỗ lực này? Nguy hiểm hơn nữa, trong khi hầu hết các nước lớn nhỏ trên toàn cầu đang hừng hực những nỗ lực trên mặt trận văn hoá, tuyên chiến quyết liệt với những yếu kém của chính nước mình, thúc đẩy tinh thần dân tộc, để có sức đối phó với tình hình thế giới đang biến đổi sâu sắc, để nước mình đua tranh thắng lợi và không chịu thua kém ai (thậm chí nhiều khi rất “sô-vanh” – chỉ cần ngó sang Trung Quốc là thấy ngay điều này; ngay ở Mỹ hiện nay có không ít những sách báo của giới trí thức nổi tiếng theo tinh thần Phải lấy lại nước Mỹ đang bị đánh mất![37]).., thế nhưng mặt trận văn hoá nước ta do Đảng lãnh đạo đang cổ suý cho cái gì? - Cho giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa? - Cho gì nữa?
Trên góc độ dân tộc, phải chăng có thể nói chưa bao giờ chúng ta đang tự đánh mất mình như ngày nay, ươn hèn như ngày nay: Trước cái sai trái hàng ngày trong đời sống, dân không dám đối mặt. Trước cái nghèo hèn lạc hậu, lương tri đất nước không biết tủi hổ. Trước sự o ép và uy lực của bên ngoài, thể diện và danh dự đất nước không giữ được tự tôn tự trọng… Mâu thuẫn giữa đường lối văn hóa bất cập hiện hành và thực tế cuộc sống đang diễn ra tự nó đang góp phần mình vào quá trình tàn phá văn hóa trong hiện tại.
Hơn nữa, trên thực tế vẫn đang thiếu vắng hẳn một mặt trận hay là một cuộc sống văn hóa có sức sống năng động, mang tính giáo dục, phát huy các giá trị truyền thống, cổ xúy cho dân chủ tự do, khơi dậy hào khí của dân tộc, hướng dân tộc đi vào giai đoạn phát triển mới. Trong khi đó văn hóa theo lề phải dù được đổ tiền của và công sức như nước cũng không tạo ra sức sống cho đất nước, nếu chưa muốn nói là nuôi dưỡng độc hại mới. Tình hình đã chín muồi phải khẩn thiết đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa, rất đáng được cả nước quan tâm. Rất không nên để cho những thành tựu nhất định đạt được trong lĩnh vực văn hóa – xã hội che lấp thực tế nguy hiểm được nói tới trên đây. Đứng trước yêu cầu chuyển đất nước sang một giai đoạn phát triển mới, có thể nói đòi hỏi về chấn hưng văn hóa bức xúc không kém các đòi hỏi về làm lành mạnh kinh tế và hệ thống chính trị quốc gia. Chấn hưng văn hóa để có lẽ sống chân chính và để có nhuệ khí càng là đòi hỏi bức xúc của thế hệ trẻ nước ta!
Không phải là trăm dâu đổ đầu tằm, nhưng vấn đề hệ trọng đến mức không thể nói khác được: Đảng phải đổi mới triệt để, mới hy vọng đề ra được đường lối văn hóa mới. Không thể có một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm linh hồn cho chủ nghĩa yêu nước chân chính trong một thể chế chính trị lạc hậu! Đại hội XI nên có ý kiến.
Cũng xin nói thêm, những thất bại trọng trong nền giáo dục hiện tại đang để lại nhiều hậu quả lâu dài có thể xem như một hoạ lớn cho sự rèn luyện của nhiều thế hệ tới, thậm chí còn trở thành một di sản văn hoá tai hại không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Vấn đề giáo dục tự nó luôn luôn là một vấn đề hóc búa đối với mọi quốc gia. Song ở nước ta, lỗi của giáo dục không chỉ đơn thuần do sự bất cập của ngành này, mà trước hết do hệ thống chính trị của đất nước trên thực tế là đề kháng đối với những giá trị mà một nền giáo dục chân chính nhất thiết phải theo đuổi. Nói đơn giản: Dạy và học tốt làm sao được nếu bằng giả và nhiều thứ hàng giả khác còn đắc dụng, thậm chí chiếm ưu thế?
Chỉ có văn hoá và giáo dục dục mới có thể làm nên diện mạo một nước Việt Nam mới, sau đó mới đến công nghiệp hoá –hiện đại hoá! Có văn hoá, có giáo dục, mới có thể công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại.
III. Đảng đang tự “diễn biến hòa bình”
Từ những điều đã trình bày trong các phần I và II, phải chăng có thể kết luận: Sau 30 Tháng Tư 1975 quyền lực trong Đảng dần dần và lúc này lúc khác không còn lựa chọn nhiệm vụ phục vụ lợi ích quốc gia là mục tiêu hàng đầu và tối thượng nữa, mà đang ngày càng chuyển hẳn sang ưu tiên lựa chọn yêu cầu duy trì quyền lực của Đảng? Xin nói ngay, quyền lực trong Đảng như vậy và quyền chính đáng của một đảng lãnh đạo là hai thứ khác nhau.
Qua tiếp xúc, có lẽ có thể nói từng người trong lãnh đạo Đảng hình như đều nhận thức rõ được thực trạng đất nước, thực trạng của Đảng hiện nay. Có ý kiến còn cho rằng những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn biết nhiều hơn những gì được viết ra ở đây! Song tại sao “biết” như thế nhưng cái quyền chính đáng của đảng lãnh đạo không đảo ngược được cái quyền lực trong Đảng? Tại bất cập? Tại không muốn đảo ngược? Tại sao cái quyền chính đáng của đảng lãnh đạo cứ để cho cái quyền lực trong Đảng lựa chọn chính nó là chính chứ không phải lựa chọn đất nước? Phải chăng vì những lẽ này ưu tiên đất nước bị đẩy xuống hạng hai? Tính tiền phong chiến đấu trong toàn Đảng bị đẩy lùi từng bước và hôm nay đang bị tha hóa lấn át?.. Sự lựa chọn này của quyền lực trong Đảng thực chất là sự giảm sút chất lượng chính trị của Đảng, nói lên Đảng đang tự diễn biến hoà bình!
Lúc này Đảng đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực, song cũng là lúc Đảng yếu nhất, có nhiều yếu kém hư hỏng nhất về mọi mặt, giữa lúc chưa bao giờ công sức và thời gian được bỏ ra cho xây dựng Đảng nhiều như ngày nay! Nói một cách khác: Đảng, trước hết là các đảng viên chân chính, đang phải bước vào một cuộc chiến đấu khó nhất kể từ khi thành lập – cuộc chiến đấu để chiến thắng chính mình, để trở lại đặt ưu tiên đất nước lên hàng đầu, để mãi mãi đi với dân tộc, chỉ vì dân tộc[38]: cuộc chiến đấu của mọi đảng viên chân chính bảo vệ phẩm chất và quyền chính đáng của đảng lãnh đạo!
Thực trạng của đất nước và của Đảng trình bày trong các phần I và II cho thấy lý tưởng của Đảng đã không chiến thắng được chính mình. Tệ hại hơn nữa là quyền lực trong Đảng đang nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, biện minh cho gia tăng việc nắm quyền, qua đó nhiệm vụ lãnh đạo ngày càng teo dần, công việc cai trị tăng lên.
Những cái đượcmất, những cái làm nênthất bại của 35 năm đầu tiên trong hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước cho thấy: Hầu như mọi việc bám lấy ý thức hệ và nhằm nâng cao quyền lực trong Đảng – trên thực tế là nhân danh Đảng và nhân danh bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng – đều không kết quả, hoặc chỉ mang lại thành tích giả tạo, thậm chí nhiều khi vấp phải thất bại nặng nề, đất nước phải trả giá đắt và bị kéo lùi. Cứ so sánh những phát biểu hàng ngày của lãnh đạo với thực trạng của đất nước và của Đảng sẽ rõ. Việc nào gắn với hoặc phù hợp với lợi ích dân tộc với dân chủ đều thành công, thúc đẩy đất nước phát triển. Đời sống mọi mặt của đất nước cũng đang chứng minh: Nhiều điều cốt yếu ghi trong Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng đã bị cuộc sống đất nước vượt qua, hoặc bị quyền lực trong Đảng vô hiệu hoá trên thực tế. Hiện nay chủ nghĩa hình thức và sự giả dối không buông tha sự thiêng liêng nào và đang tiếp tục bành trướng trên chính trường của Đảng.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đất nước đang chứng kiến tình hình: Qua mỗi kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, chất lượng của Đảng thêm một sa sút – Đại hội sau thấp hơn Đại hội trước – về năng lực lãnh đạo cũng như về phẩm chất. Nhiều báo cáo của Đảng và nhiều tin tức trên các phương tiện truyền thông cho thấy: Cứ gần đến kỳ Đại hội Đảng, các vụ khiếu kiện giữa các đảng viên với nhau, giữa người dân và các đảng viên, lại đột biến gia tăng, những vấn đề phải xử lý trong Đảng cũng ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn, các tội phạm và tính chất các tội phạm đảng viên mắc phải có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó nhiệm vụ của Đảng đối với đất nước ngày một khó khăn phức tạp hơn. Chất lượng đảng viên nói chung đáng lo ngại – thể hiện qua trình độ và ý thức trách nhiệm đối với đất nước và đối với Đảng nói chung thấp, không dám bảo vệ lẽ phải và đấu tranh chống mọi sai trái (vấn đề “đấu tranh – tránh đâu?” ngày càng tinh vi hơn, trầm trọng hơn).
Xin lưu ý, vai trò lãnh đạo hiện nay của Đảng là do hoàn cảnh lịch sử xác lập nên. Nói thế hàm nghĩa là vai trò và ảnh hưởng của Đảng ngày nay chủ yếu sống nhờ vào vốn liếng các thế hệ trước của Đảng để lại. Nghĩa là Đảng đang ăn vào vốn lịch sử của mình! Thực tế này cùng với việc đặt ưu tiên duy trì quyền lực của Đảng lên trên lợi ích quốc gia là những nguyên nhân trực tiếp nhất gia tăng tốc độ tha hóa của Đảng.
Nếu coi Đại hội VI là điểm sáng mang tính bước ngoặt có tính cách mạng về đường lối (chủ yếu là đường lối kinh tế), các Đại hội tiếp theo là những bước đi dè dặt chứ không phải thận trọng, thậm chí có mặt tụt hậu, và nhìn chung là đã không phát huy được bước tiến đột phá quan trọng của Đại hội VI. Nhất là phẩm chất và sức chiến đấu của Đảng hiện nay đang tụt xa so với Đại hội VI, ít nhất là không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám từ bỏ những tư duy lỗi thời, không dám đối mặt quyết liệt với các thói xấu... Nói một cách khác, giữa một bên là phẩm chất, bản lĩnh và năng lực của Đảng, và một bên là những đòi hỏi phát triển ngày càng cao của đất nước, khoảng cách bất cập này đang ngày càng rộng ra, làm giảm sút nghiêm trọng ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Chiều hướng của Đảng từ Đại hội VI đến nay là: Những yếu kém của Đảng đang kéo theo sự suy yếu toàn bộ hệ thống chính trị đất nước.
Đảng nói chung từ người yêu nước, lãnh đạo thành công dân tộc giải phóng đất nước, giành lại độc lập thống nhất, ngày nay đang bị tha hóa thành người nắm quyền. Khái niệm “đảng cầm quyền” bị hiểu rất sai lệch thành nắm quyền, đang bị lạm dụng, và trên thực tế biến Đảng trở thành ông chủ cai trị đất nước. Sự nắm quyền này đã phát triển thành một hệ thống chằng chịt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, xuyên xuốt từ cơ sở thấp nhất lên đến thượng tầng cao nhất trong toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của quốc gia. Đó chính là hiện tượng “đảng hóa” toàn diện. Làm như vậy, bao nhiêu lý lẽ, chủ thuyết, chủ nghĩa Đảng đề ra và tôn thờ cuối cùng vẫn không đủ sức chiến thắng được quán tính lịch sử muôn đời: cái quán tính người chiến thắng trở thành kẻ cai trị! Cái quán tính ngày xưa dân gian gọi là: Được làm vua,[39] Chính cái quán tính này đang lấy đi mất tính tiền phong chiến đấu của Đảng và đang kìm hãm nghiêm trọng khả năng xây dựng nhà nước pháp quyền.
Hiện nay đã vậy, từ Đại hội XI trở đi sẽ ngày càng ít đảng viên giữ cương vị lãnh đạo có quá khứ tham gia cách mạng đầy thử thách. Điều này có nghĩa đội ngũ lãnh đạo của Đảng từ nay trở đi chủ yếu là do cơ cấu quyền lực và chính sách cán bộ của Đảng tạo thành – thực chất đấy là một dạng biến tướng nào đó của hình thái cha truyền con nối. Bởi vì Đảng đang ngày đêm tạo ra, vun đắp, gìn giữ cho mình hệ thống chính trị và môi trường tồn tại như thế - để duy trì quyền lực, duy trì vai trò lãnh đạo và vai trò nắm quyền của mình:
Khác với thời chiến, ngày nay trong thời bình Đảng không lựa chọn con đường phấn đấu đứng mũi chịu sào đối với mọi thử thách quốc gia đang đối mặt để thử thách chính mình, Đảng không thông qua sự lựa chọn của nhân dân để xây dựng, bảo vệ và duy trì vai trò lãnh đạo của mình, để phát triển chính mình. Trên thực tế, ngày nay trong thời bình Đảng lựa chọn con đường của cơ chế và cơ cấu để duy trì quyền lực của mình. Vì thế, tính ủy thác của nhân dân với tính cách là yếu tố làm nên vai trò lãnh đạo của Đảng trở thành vấn đề, trên thực tế là dần dần không còn.
Thực tế trình bày trên đòi hỏi Đảng càng phải phấn đấu nghiêm khắc hơn nữa với chính mình để vươn lên giữ lấy bằng được cho mình khả năng và vai trò lãnh đạo đất nước, chứ không phải là để củng cố sức mạnh nắm chặt hơn nữa trong tay quyền lực để cai trị đất nước. Tiếc rằng toàn bộ sức mạnh của hệ thống chính trị và quyền lực chuyên chính hiện nay của Đảng lại được ưu tiên huy động cho việc phục vụ mục đích sau, và đây là nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn tới thỏa hiệp và nuôi dưỡng tha hóa trong Đảng, tiếp tục hủy hoại tính tiền phong chiến đấu của Đảng.
Hơn thế nữa, là lực lượng chính trị duy nhất nắm trọn vẹn quyền lực đất nước, không chịu sự cọ sát hay giám sát nào, Đảng ngày nay trở thành một thứ nhà nước siêu quyền lực, trong khi đó nhà nước của dân, do dân vì dân thông qua hiện tượng “đảng hóa” trên thực tế chỉ còn lại là một công cụ của Đảng. Tình hình này “đương nhiên” đến mức được chính đại biểu Quốc hội nói lên công khai trước báo chí: Bộ Chính trị và BCHTƯ Đảng là cấp trên của Quốc hội! Thậm chí sự gò ép các quyết định quan trọng, cùng với thái độ thiếu lễ độ và ngôn từ không nghiêm túc đôi khi xảy ra tại họp Quốc hội của một vài người có trọng trách trong chính phủ nhưng có cương vị cao trong Đảng.., có thể được xem là những biểu hiện rõ nét của thực trạng này.
Xin lưu ý: Nhân dân ta thế hệ này đến thế hệ khác hy sinh chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng là để xóa bỏ áp bức thống trị của nước ngoài, để tự giải phóng chính mình và giành quyền làm chủ đất nước, chứ không phải là để thiết lập nên một hệ thống của người trong nước cai trị lại chính mình. Sự tha hóa đang diễn ra trong Đảng đang từng giờ từng ngày đẩy lùi Đảng từ vị trí đảng lãnh đạo xuống vị trí đảng cai trị như thế[40].
Ngay cả lúc này lúc khác xử một số vụ án chính trị với tội danh chống đối hay lật đổ chế độ, tình hình của đất nước cũng cho thấy không một lực lượng chính trị nào dù là ở trong nước hay ở nước ngoài có thể đủ sức lật đổ quyền lực của Đảng. Song diễn tiến của tha hóa và bất cập đang làm suy yếu Đảng nhanh nhất và toàn diện nhất, đang là nguy cơ lớn nhất trực tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo và sự tồn tại của Đảng. Không phải ngẫu nhiên đã có nhận xét: Chỉ có sự tự sụp đổ do tha hóa mới có thể lật đổ Đảng mà thôi! Đảng, trước hết là những người lãnh đạo, cần nhận rõ thực trạng này, kiên quyết đấu tranh cho sự trong sạch vững mạnh của Đảng, và nhất thiết đừng để cho một ngày nào đó những mâu thuẫn này diễn biến hòa bình Đảng thành đối kháng dân tộc.
Cần nói rõ thêm: Sự câu kết bộ 3 như đã nói trong phần II, quyền lực trong Đảng (trong nhiều trường hợp, tên gọi đầy đủ của nó phải là quyền lực nhân danh Đảng), tình trạng quan liêu và những yếu kém khác đang tha hóa con người và tha hóa bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị của đất nước, hình thành ra một hiện tượng quan liêu ăn bám. Sự quan liêu ăn bám này thiên hình vạn trạng, - đó có thể là những con người cụ thể nào đó trong những trường hợp nhất định và trong những mối tương quan nào đó, có khi xuất hiện như một bộ máy, có khi hiện hình như một cơ chế, thậm chí có khi như một tác phong làm việc hay một tập quán kinh niên... Sự câu kết bộ 3 này đang ra sức bảo vệ quyền lực trong Đảng[41] nhân danh bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ, nhân danh nhiều thứ khác nữa... Điển hình nhất của sự quan liêu ăn bám này là một thứ cơ chế không thành văn “giữ quyền quyết định tất cả nhưng không chịu trách nhiệm, khi xẩy ra sự cố thì rất khó bề truy cứu”, đang diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước và trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống – lộ liễu và dễ nhận biết nhất ở các vụ tham nhũng lớn..
Có thể nói sự quan liêu ăn bám này đang ngày càng vô cảm hoặc quay lưng lại với sự thật, chỉ quan tâm theo đuổi những mục đích của quyền lực. Sự quan liêu ăn bám này thậm chí không hiếm trường hợp biện minh những sai trái, nói dối hay hù dọa Đảng, trấn áp lẽ phải, che đậy hay làm nhẹ nguy cơ diễn biến lớn nhất đối với Đảng là sự tha hóa trong Đảng, nhưng lại nhấn mạnh một chiều nguy cơ diễn biến hòa bình do bên ngoài can thiệp vào là nghiêm trọng nhất đối với Đảng, vân vân... Đây là sự chệch hướng của mọi chệch hướng, Đảng dứt khoát cần làm rõ và ngăn chặn.
Tệ hại vô cùng là ở chỗ sự chệch hướng này đang diễn ra giữa lúc: (a) Đảng ở đỉnh cao của quyền lực, ảnh hưởng và quyền lực của Đảng đang là lực lượng chính trị duy nhất và mạnh nhất trong nước, (b) trên dưới 70% tài sản vốn liếng cả nước là sở hữu quốc doanh, (c) cả nước có nguyện vọng nóng bỏng muốn vươn lên con đường phát triển văn minh hiện đại và (d) yêu cầu bảo vệ tổ quốc đòi hỏi phải sớm kiện toàn đất nước mọi mặt. Hơn thế nữa sự chệch hướng này đang diễn ra giữa lúc Đảng có trong tay mọi điều kiện tốt nhất để tự giác chủ xướng một cuộc cải cách chính trị đã trở nên vô cùng cấp thiết, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới và để chiến thắng mọi uy hiếp từ bên ngoài. Cách đây 25 năm khi phải tiến hành đổi mới, Đảng thậm chí lúc đó không có nhiều thuận lợi như ngày nay để tiến hành cuộc cải cách này. Nói ngắn gọn: Chính sự chệch hướng này đang ngày đêm làm tê liệt Đảng, cướp đi vai trò và khả năng của Đảng là đảng lãnh đạo.
Thoạt kỳ thủy, quan liêu chỉ là một yếu kém, một thứ bệnh không một hệ thống chính trị nào có thể miễn nhiễm nếu không có một thể chế pháp quyền kiểm soát hữu hiệu căn bệnh này. Sự yếu kém của Đảng dần dà biến thứ bệnh quan liêu này (tự giác) hoặc để cho thứ bệnh này (không tự giác) tự nó phát triển thành một cơ chế. Như đã nói, hiện nay cơ chế quan liêu đã trở thành một thứ quyền lực, thành công cụ đắc lực cho thứ quyền lực trong Đảng nhân danh Đảng. Càng có nhiều khó khăn và yếu kém, Đảng càng bị chính sự quan liêu ăn bám này của mình diễn biến. Vì sự tồn tại của chính nó, sự quan liêu ăn bám này đang lăm le biến quyền lực chính thống của Đảng được ghi trong Điều lệ Đảng thành một thứ của sở hữu riêng cho nóvì nó.
Cùng với thời gian, sự quan liêu ăn bám này và sự câu kết bộ 3 ngày càng thâm nhập vào nhau, nuôi dưỡng nhau – trước hết và chủ yếu thông qua chính sách tổ chức cán bộ, nhất là chính sách cơ cấu – để dần dà phát triển quyền lực trong Đảng thành một thứ quyền lực nhân danh Đảng. Chết nỗi, đấy chính là thứ quyền lực thực tế cao nhất trong Đảng, nó không thành văn, không được ghi trong Điều lệ Đảng và vì thế thật ra nó không có tính pháp lý ngay cả đối với Đảng.
Ví dụ, những quy định không thành văn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống được toàn Đảng tuân thủ đến mức trở thành thông lệ từ Đại hội này đến Đại hội khác: Quyền lực cao nhất của Đảng là Đại hội Đảng toàn quốc, trên thực tế chỉ còn lại là hình thức; những tập quán, những phương thức không thành văn chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp; những quy định mang tính tiền lệ như không là ủy viên Trung ương Đảng không thể là Bộ trưởng; tổng giám đốc tập đoàn quốc doanh cần bố trí vào BCHTƯ Đảng; không phải tỉnh ủy viên thì không thể làm giám đốc Sở... Việc áp dụng những “tiêu chuẩn chính trị”, những cái “nhãn mác về chức vụ Đảng” như vậy không có trong Điều lệ Đảng, trong Hiến pháp, hầu như đứng trên mọi tiêu chuẩn thiết yếu khác, khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước trở nên yếu kém, với những hệ quả nghiêm trọng. Với cách bố trí người và sắp xếp tổ chức, bộ máy như thế, với phương thức hoạt động hiện nay, trên thực tế trong toàn bộ hệ thống đảng, nhà nước, kinh tế xã hội... đã và đang hình thành một nếp vận động mang tính một hệ thống bị đảng hoá, tạo thành một kiểu bộ máy vận hành theo hoặc vận hành trong cơ chế “đảng hóa”, hoặc bị “đảng hóa” chi phối. Đó chính là con đường “đảng hóa” toàn diện.
Thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế đứng trên Hiến pháp và Điều lệ Đảng, thường thể hiện muôn hình vạn trạng bên trong các hình thái mang tải nó. Trong từng trường hợp cụ thể, thứ quyền lực này có các tên gọi khác nhau: “sự lãnh đạo”, “sự chỉ đạo”, “quán triệt”, “học tập”, “tinh thần chỉ thị...”, “tập trung dân chủ”… Thứ quyền lực này thực chất là kết quả sự vận động qua lại giữa các “mối quan hệ” (mối quan hệ này dẫn tới quyết định này, mối quan hệ kia dẫn đến quyết sách kia…).
Thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế và sự ràng buộc của nó không hiếm trường hợp vô hiệu hóa trực tiếp người được Đảng giao trách nhiệm – (Ví dụ: Lúc sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lúc phải kêu lên “Tôi không làm sao cách chức nổi lấy một chủ tịch xã!”.. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước khi đi thực tế để điều tra thường bị ém nhẹm hay bưng bít thông tin, vân vân...). Không ít quyết định quan trọng đối với vận mệnh đất nước và của Đảng hình thành thông qua sự vận động qua lại giữa những “mối quan hệ” như thế - nghĩa là do thứ quyền lực nhân danh Đảng quyết định, chi phối.
Thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế rất tiện lợi cho việc cầm quyền, nắm quyền, song tự nó tước bỏ hay đối nghịch với nhiệm vụ lãnh đạo của một đảng chính trị.
Xin nhắc lại, thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế do bản chất và lợi ích sống còn của chính nó, luôn luôn có xu hướng muốn biến Đảng thành công cụ cho nó. Vì thế không phải ngẫu nhiên từ lâu nhiều ý kiến tâm huyết cảnh báo: Đảng đang trở thành đối tượng của tham nhũng![42] Thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế đang tồn tại song song với hoặc lồng vào bên trong quyền lực chính thống của Đảng (quyền lực được Điều lệ Đảng quy định – ví dụ: Quyền của các Đại hội toàn quốc và các cấp, quyền của Ban Chấp hành trung ương Đảng, quyền và trách nhiệm của các tổ chức Đảng và các tổ chức cơ sở Đảng, quyền và nghĩa vụ của các đảng viên…). Song vấn đề nóng bỏng đối với vận mệnh của Đảng – cũng nóng bỏng như thế đối với đất nước – là: Thứ quyền lực nhân danh Đảng như thế đang vi phạm dân chủ trong Đảng, đang nhân danh tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đẩy mạnh vấn đề “đảng hóa” – mà trên thực tế là chuyển hóa Đảng ngày càng mạnh sang xu hướng nắm quyền, với nguy cơ tha hóa Đảng từng bước trở thành đảng cai trị... Chính diễn biến hòa bình này, chứ không phải hành động chống đối hay lật đổ nào từ bên ngoài Đảng, mới là mối nguy lớn nhất đối với sự tồn tại của Đảng và tương lai quốc gia.
Mặt khác, sự đầu hàng, tránh né hay thái độ bàng quan của không ít đảng viên trong Đảng trước thực tế nêu trên đang gián tiếp hay trực tiếp hậu thuẫn cho sự diễn biến hòa bình Đảng như vậy. Không phải ngẫu nhiên người đời đã nói: Sự im lặng của lương tri nuôi dưỡng bạo hành của quyền lực!
Với tư cách là đảng cách mạng, Đảng phải tuyên chiến với diễn biến hòa bình này và mọi hành động phụ họa nó – đây là một trong các nhiệm vụ cụ thể của đổi mới Đảng, rất đáng đặt ra tại Đại hội XI[43]. Điều trước tiên là toàn Đảng không có một ngoại lệ nào phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Cương lĩnh và Điều lệ Đảng hiện hành. Điều gì trong Hiến pháp, trong Cương lĩnh và Điều lệ không còn đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước thì phải thay đổi.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét