Cu Tí kinh doanh gì ở đây?

Mua dân chủ của Bần nông gia,bán kiến thức cho Bác học nhà...

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cao bình Vân cứ

Tại làng Mỹ Ả - Đông Mỹ - Thanh Trì – Hà Nội có ngôi đình nhỏ thờ một vị thành hoàng làng là Cao Biền, viên quan đô hộ An Nam thời Đường. Vào khoảng những năm Đường Hàm Thông Cao Biền được nhà Đường cử làm đại tướng sang An Nam để giải quyết vấn đề Nam Chiếu. Cao Biền hạ được thành Đại La do quân Nam Chiếu đang trấn giữ, đánh bại được các thổ mán, sát hại hơn một nửa quân Nam Chiếu. Từ đó Cao Biền ở lại Giao Châu làm tiết độ sứ.

Câu đối ở đình Mỹ Ả:
Phụng ấn Đường triều, Bắc quốc thiên thu công tại xứ
Cao bình Vân cứ, Nam bang vạn cổ ngưỡng hồng ân.


Vế đối thứ hai có từ “Vân” cần hiểu Vân là Vân Nam, thủ đô của quân Nam Chiếu. “Vân cứ” là quân cát cứ từ Vân Nam, hay quân Nam Chiếu.

Dịch:
Vâng ấn triều Đường, nghìn thu Bắc quốc công nghiệp ở xứ
Giỏi dẹp Nam Chiếu, vạn thế Nam bang ngưỡng mộ ân sâu.

Tuy nhiên trong Thiên Nam ngữ lục lại ghi một thông tin hoàn toàn khác với chính sử. Cao Biền sang An Nam và đã đánh dẹp quân của … nhà Hậu Lý Nam Đế:


Sơ vâng chiếu chỉ bước sang
Đến miền Gia Định, Quế Dương dần dà
Những quan Hậu Lý ngày xưa
Con em hợp quẩy được và ngàn quân
Hợp làm tiết nghĩa trung thần
Tiểu nhi bái tướng, phụ nhân anh hùng.
Làm sao Nam Chiếu lại là tàn quân của Lý Phật Tử được?

Ở một nơi khác thờ Cao Biền là làng gốm Kim Lan, nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội, tại bái đường đình Kim Lan có câu đối:



Thảo Nam Chiếu trúc Đại La thành, khai Thiên Uy banh lưu ngọc kỷ
Khuyến nông tang truyền chân đào nghệ, an dân tế thế hựu kim xương.

Dịch:
Dẹp Nam Chiếu đắp Đại La thành, khơi kênh Thiên Uy, công nghiệp còn lưu sàng ngọc
Khuyến nông tang truyền nghề làm gốm, yên dân giúp thế, ân đức mãi ghi hộp vàng

Về việc Cao Biền đắp thành Đại La và truyền nghề nông nghề gốm xin bàn trong một bài khác. Ở đây muốn nói tới thông tin Cao Biền “khai Thiên Uy banh”, mở kênh Thiên Uy. Chuyện này tóm tắt như sau. Cao Biền đi thị sát đến “châu Ung, Quảng” thấy đường biển nhiều ghềnh đá làm đắm thuyền, vận chở không thông nên cho quân đến đục đá mở đường. Nhưng lòng kênh ở đây có một chỗ đá cứng như sắt, búa đục không được. Cao Biền cáo trời khiến sấm sét phá tan ghềnh đá. Vì thế kênh đào xong gọi là kênh Thiên Uy.

Vấn đề xác định kênh Thiên Uy ở đâu đã được nhiều người bàn luận. Người thì cho là ở bên Quảng Tây. Người thì bảo ở Vân Nam. Chỉ có ở Việt Nam còn lưu vết khá rõ con kênh này là Kênh Sắt (Thiết Cảng) ở Diễn Châu Nghệ An. Vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Tiết độ sứ Giao Châu Cao Biền soạn. Đây là một trong những văn bia cổ nhất còn giữ được ở nước ta.

Diễn Châu Nghệ An cũng là nơi có nhà thờ họ Cao “Bột Hải triều Nam
ở Nho Lâm Diễn Thọ. Dòng họ này nổi tiếng làm nghề khai mỏ luyện quặng sắt. Điều này cho thấy rõ ràng địa chất khu vực này có nhiều quặng sắt ngầm, lòng sông bị hóa sắt nên việc khai mở kênh mới khó khăn như vậy. Họ Cao ở Diễn Thọ cũng có thể có quan hệ với Cao Biền.

Còn có bài thơ Quá Thiên Uy kính của Cao Biền để lại như sau:

Sài lang khanh tận khước triều thiên,
Chiến mã hưu tê chướng lĩnh yên.
Quy lộ hiểm hy kim thản đãng,
Nhất điều thiên lý trực như huyền.

Dịch (Lê Nguyễn Lưu):
Sài lang chôn sạch lại chầu vua
Ngựa chiến thôi kêu cõi núi mờ
Đường hiểm nay về bằng phẳng rộng
Một lèo nghìn dặm thẳng như tơ.

Bài thơ trên cho thấy kênh Thiên Uy do Cao Biền mở nằm gần nơi mà Cao Biền đã đi đánh dẹp quân Nam Chiếu. Tới đây thì sự việc trở nên khó hiểu. Kênh Thiên Uy không thể nằm ở Vân Nam vì đây là “Vân cứ
của quân Nam Chiếu. Nam Chiếu cho tới tận thời Đại Lý chưa hề mất vùng đất Vân Nam vào tay nhà Đường. Cao Biền không thể đào kênh ở Vân Nam được. Kênh Thiên Uy ở cửa biển Quảng Tây thì còn vô lý hơn vì chỗ đó chưa từng bao giờ có quân Nam Chiếu. Còn Kênh Sắt ở Nghệ An thì liên quan gì tới Nam Chiếu?

Thiên Nam ngữ lục lại một lần nữa cho thêm thông tin mới về kênh Thiên Uy :



Việt Nam bốn bể chín châu
Biền thu về một lầu lầu bản chương
Chơi tuần đến Lâm Ấp hương
Dưới sông đá mọc, trên ngàn núi ngăn.
Kênh Thiên Uy ở vùng đất của Lâm Ấp. Như vậy thì Kênh Sắt ở Nghệ An là phù hợp vì vùng này từng là vùng của Lâm Ấp. Nghệ An cũng là vùng đất mà Mai Hắc Đế đã đắp thành luỹ khởi nghĩa duới thời Đường.

Truyền thuyết Việt còn kể chuyện Cao Biền trảm long sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), phá long mạch của Nam Chiếu. Trà Khúc là đất Lâm Ấp chứ Nam Chiếu đi đằng nào mà vào đến đây?

Nam Chiếu – Hậu Lý Nam Đế - Lâm Ấp cuối cùng thì có quan hệ gì với nhau? Vấn đề này chỉ trở nên sáng tỏ dưới ánh sáng của Sử thuyết họ Hùng.

Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử chính là Khu Liên, người lập nước Lâm Ấp. Dật sử chép nhà Tùy thu phục Lý Phật Tử và Bát Lang là hình ảnh cuộc đánh dẹp của quân Tùy diệt nước Lâm Ấp sau 600 năm tồn tại của quốc gia này.

Nhưng tàn quân Lâm Ấp chưa hết. Họ Phạm (họ vua Lâm Ấp) vẫn quay lại cùng khởi nghĩa với Mai Thúc Loan và Phùng Hưng. Phạm Thị Uyển là Mai hoàng hậu lúc 18 tuổi, đã chiến đấu chống quân Đường hy sinh bên sông Tô Lịch. Hai anh em song sinh của bà là Phạm Miện, Phạm Huy là tướng của Phùng Hưng. Câu “Tiểu nhi bái tướng, phụ nhân anh hùng” phải chăng có phần nào liên quan đến việc này?

Khởi nghĩa của Mai Hắc Đế và Bố Cái Phùng Hưng từ Đường Lâm – Tây Thanh Nghệ, vùng đất Lâm Ấp xưa, chính là khởi đầu của nước Nam Chiếu. Phùng Hưng đã tiến lên chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc (Phong Châu đô hộ phủ) gồm cả Vân Nam. Hậu Lý – Lâm Ấp – Nam Chiếu là một phần lịch sử phía Tây và Nam của nước ta đã bị lãng quên trong chính sử.
 

1 nhận xét:

  1. The Best Casino Games Near Houston | JMHub
    › entertainment 서산 출장마사지 › gaming- › entertainment › gaming- Explore your favorite 하남 출장마사지 table 제주 출장샵 games and enjoy 구리 출장마사지 exciting casino entertainment. JMSH Casino offers a wide variety of 경기도 출장샵 slots, roulette, live entertainment and more.

    Trả lờiXóa